Người hành nghề bụt then, dàng và một số giá trị của then

Người hành nghề bụt then, dàng và một số giá trị của then

NGƯỜI HÀNH NGHỀ BỤT THEN, DÀNG

Những người được gọi là Bụt (Bụt Nùng, Bụt Ngạn, Bụt Tày)… khi hành nghề có chùm xóc, quạt phẩy; riêng Bụt Tày có nhánh Bụt tính, khi hành nghề có cây đàn tính đệm theo lời hát. Bụt tính có hai phái: Phái miền Tây Cao Bằng, người hành nghề là phụ nữ, đàn tính có ba dây; phái miền Đông, người hành nghề là nam giới (gọi là Dàng), đàn tính chỉ có hai dây.

Thầy Then làm Lễ mừng lúa mới.
Thầy Then làm Lễ mừng lúa mới.


Về nguồn gốc của Then, Dàng ở Cao Bằng có chuyện truyền lại như sau: Ở châu Thạch Lâm xưa có vợ chồng già làm nhiều việc thiện nhưng không có con, một hôm ông vào rừng nhặt được cái bọc đem về, vợ mở ra trong bọc có ba đứa bé gái. Vợ chồng nuôi các bé khôn lớn. Tên cô cả là Vân Tiên, cô hai là Quỳnh Tiên, cô ba là Bích Tiên. Khi trưởng thành, Vân Tiên được gả cho người Nùng, Quỳnh Tiên gả cho người Ngạn, còn Bích Tiên không chịu lấy chồng, với lý do ở nhà nuôi cha mẹ. Khi cha mẹ chết, cô tế lễ chôn cất chu đáo. Khi đoạn tang, một hôm cô vào rừng gặp cô tiên trong núi, tiên bảo “Người là cô gái nhỏ mà ta đã cứu ở động Di thác sinh lại để hành nghề cúng cho đời. Nay ta ban cho người một chuỗi chuông sắt liên hoàn, một cái quạt và dạy cho người phép vẩy quạt rung chuông và truyền cho lời chú, trong chốc lát bệnh sẽ khỏi ngay”. Cô tiên tiếp lời “Một khi người về qua đường gặp đám ma của vị Thái tử, người cứu, vị Thái tử sẽ sống lại ngay. Từ đó về sau người phải trai giới không được ăn thịt trâu, bò, chó, chuyên giữ đạo ấy truyền cho người đời, giữ lòng làm thiện thì người sẽ suốt đời được no ấm và mãi mãi được tiếng tốt”.

Bích Tiên bái tiên rồi đi về, trên đường cô gặp gia đình nhà vua đang khóc than gọi con. Cô vào thắp hương lên rồi dùng chuông xóc và vẩy quạt, niệm lời chú… Sau lễ, vị Thái Tử sống lại, nhà vua thưởng Bích Tiên  rất hậu và phong làm Phật bà. Nên ngày nay gọi cô Đồng là Bụt, tục gọi là Dả Phựt. 

Trước hết, Bích Tiên truyền nghề cho Vân Tiên và Quỳnh Tiên. Cô Vân Tiên lại truyền cho người Nùng gọi là Phựt Nùng, cô Quỳnh Tiên truyền cho người Ngạn, tục gọi là Phựt Ngạn. Khi Bích Tiên hơn 30 tuổi thì có viên quan nhạc tên là Thế Khanh nghe tin Bích Tiên xinh đẹp lại có phép làm người chết sống lại bèn giả ốm mời cô đến nhà cứu chữa… Cảm phục quan Thế Khanh tài thơ ca đối đáp, Bích Tiên nhận làm thiếp quan Thế Khanh. Bích Tiên kể lại các mục trong đạo pháp, Thế Khanh đã dựa vào đó soạn ra các khúc ca để ca tấu, như khoa cúng Ngọc Hoàng, cúng Thổ Công, cúng tổ tiên... gọi là Nhập Môn (Khảu tu), bài thu hồn (slu khoăn), các bài lên núi (đăng sơn), vượt biển (khảm hải). Cô Bích Tiên hát và đàn đệm vào mà vẫn linh ứng như rung chuông, vẩy quạt và niệm thần chú. Sau hai cô Vân Tiên, Quỳnh Tiên cũng tìm tới ông quan nhạc nhờ soạn ca khúc cho mình theo tiếng Nùng và tiếng Ngạn nhưng không đệm đàn để phân biệt các dòng Phựt Tày, Nùng, Ngạn. Truyền về sau lâu ngày các câu lời chú do cô tiên dạy người ta quên mất, nay chỉ còn lời hát do ông quan nhạc soạn mà thôi.

Các thầy đồng nam cũng do các cô đồng nữ truyền nghề cho, khi đắc đạo thì ban pháp danh là Dàng nên thầy đồng nam có tên là Dàng. Nghĩa là thầy dạy nghề gọi là Tản, học trò mới học nghề gọi là Dàng. Để chỉ học trò là nam giới. Khi không hành nghề gọi là Phựt, tiếng Nùng gọi là Sở, tiếng Ngạn gọi là Chẩu, khi hồn nhập vào người thì người ta lại gọi họ là Gường, Tản, Mọn, Mật…

Khi hành nghề thì gia chủ bày ra mâm 5 bát gạo, 3 bát dàn hàng ngang cúng theo Then thì một bát cúng tổ sư của Then, một bát cúng Vua Bếp, một bát cúng tổ tiên gia chủ, một bát cúng binh mã của Then, một bát gạo vía có đặt quả trứng bên cạnh có cắm lọng che khi hành lễ Then sẽ gọi vía gia chủ siêu tán vào quả trứng để nhập vào áo Vía cả gia đình. Trong mâm có đặt tiền chân hương. Tùy thuộc vào lễ nhỏ to mà số tiền ít hay nhiều. 

NHÂN CÁCH NGƯỜI HÀNH NGHỀ BỤT THEN

Cũng như người hành nghề đạo sư, pháp sư khác, người hành nghề Then, Dàng phải tuân theo đạo pháp, việc này được đặt ra trong lễ cấp sắc, người thụ lễ đã y cửa Phựt, cả sinh mệnh và tâm trí. Được thầy gói lại trong gói giấy nhỏ đặt trên bàn lễ gọi là khon (nghĩa là vía). Sau này cùng với sắc cấp được cho vào túi nhỏ màu hồng treo ở bàn thờ tổ. Sư phụ đọc rành rọt từng điều giới luật và hỏi lại: Có làm được không? Sau mỗi câu hỏi người thụ lễ đáp: Con nghe rõ. Làm được, các câu hỏi đó là: Không được sát sinh bừa bãi; Không trộm cắp; Không ngu muội tham lam; Không mưu ngầm hãm hại người khác; Không kiêu ngạo; Không ăn uống, chơi bời phí phạm; Không được bất trung, bất nghĩa, bất tín; Không được giao du với bọn bất lương; Không được lười biếng, phải luôn học hỏi; Phải kính cẩn với Đạo, coi việc Đạo là việc trọng nhất. 

Người hành nghề Đạo, Pháp phải tuân theo một số điều: Tin vào Đạo, Pháp; Không chửi trời, đất, thánh thần; Không gian dối; Không dùng pháp để làm hại người; Không ăn thừa đồ ăn của người khác; Không qua dưới sào phơi quần áo; Không qua dưới nhà sàn bẩn (rích má); Không ngồi ăn cơm với trẻ; Không ăn thịt trâu, bò, chó; Không từ chối khi người cần giúp…

Nếu người hành nghề phạm vào một trong những điều trên thì quyền năng dần sẽ bị truất. Sự truất quyền năng này thể hiện dưới các dạng khi bói phán đoán không chính xác, lễ cúng không linh nghiệm, dân không trọng dụng. Nhất là việc giữ đức độ trong khi hành nghề cũng như trong cuộc sống gia đình, nếu tham nhân tình bỏ vợ hoặc bỏ chồng để giao du chơi bời, kết giao với người bất lương. Hoặc bỏ dòng Đạo, Pháp này theo dòng Đạo, Pháp khác… Nói về việc này giới hành nghề Then có câu:

Hoa cỏ nở rồi thôi hết trạng/ Trời lại đem hoa cỏ trở về thiên. Nghĩa là: Trời đã ban cho lộc nhưng người không giữ được thì trời lại thu về.

Qua đó, cho thấy những người hành nghề đạo sư, pháp sư luôn phải tuân theo đạo đức hành nghề lấy việc cứu nhân là chính.

MỘT SỐ GIÁ TRỊ CỦA HÁT THEN

Các nghi lễ Then là một trong những sinh hoạt văn hóa gắn với tâm linh, mang nhiều giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử của người Tày, Nùng. Thông qua lễ thể hiện phần nào về quan niệm vũ trụ, thế giới quan, phong tục tập quán, tri thức dân gian của người Tày, Nùng và khả năng đặc biệt của một số người. Về góc độ nào đó các lễ Then có giá trị bình ổn tinh thần gắn kết được gia đình, cộng đồng và giáo dục con người hướng tới điều thiện.

Hát Then là một loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp thể hiện trí tuệ sáng tạo của các nghệ sỹ dân gian trong các lĩnh vực văn học, thi ca, âm nhạc, vũ đạo, nghệ thuật biểu diễn, trang trí, ẩm thực…

Tham dự cuộc hát Then lời ca của Phựt, người nghe như được đồng hành cùng đoàn âm binh đi qua các vùng sông nước, qua các hang thẳm sâu dưới tầng địa phủ, vượt núi Trắng, núi Đen, núi Đỏ, đến không trung sáng ánh trăng, đến chốn mặt trời chiếu đỏ ánh hồng, đến mường tiên ngự, đến cung Ngọc Hoàng uy linh… Với trí tưởng tượng bay bổng, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra những khúc ca mê hoặc lòng người từ bao đời nay.                
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm