Người giữ nghề đan chiếu cói ở Di Linh

Người giữ nghề đan chiếu cói ở Di Linh
Sở dĩ tôi nói vậy là bởi hiện tại chiếc chiếu cói không chỉ “thất thủ” trước chiếu công nghiệp, mà còn bị “bao vây” bởi các loại nệm cũng hết sức đa dạng về mẫu mã lẫn giá cả. Vì vậy, giữ gìn nghề đan chiếu cói, chỉ có thể là tình yêu, chứ chắc chắn sản phẩm làm ra không tìm được nơi tiêu thụ. “Thuở nhỏ, phụ giúp mẹ đan chiếu rồi được mẹ truyền cho. Thế là gắn bó với nghề đan chiếu cói từ bấy đến giờ” - bà Ka Bểu (76 tuổi, ở thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết.
 
Đan chiếu cói
Đan chiếu cói
Theo lời bà Ka Bểu, cây cói thường mọc ở những nơi ẩm ướt, nhiều sình lầy. “Ngày trước, chúng tôi thường đi lấy cói ở xóm Sình (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) về đan. Còn bây giờ, phải đi kiếm xa hơn, tới hồ Nam Phương (TP Bảo Lộc) thì mới có cói. Tuy nhiên, cói ở hồ Nam Phương cũng không còn nhiều như trước” - bà Ka Bum (70 tuổi, ở thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) chia sẻ. 
Cói lấy về còn phải trải qua nhiều công đoạn thì mới đan được. Thông thường, sau khi đã loại bỏ những sợi hư, cói được đem phơi nắng cho khô trắng. Nhưng gặp hôm trời âm u, cói cũng có thể mang hong trên giàn bếp. Tất nhiên, phơi dưới nắng màu cói sẽ đẹp hơn. “Khi phơi cói, kỵ nhất để gặp mưa. Vì nước mưa ngấm vào, cói sẽ bị thâm trông rất xấu và không bền” - bà Ka Bểu lưu ý. “Kinh nghiệm, cứ thấy cói ngả sang màu hơi vàng, sợi trở nên mềm dẻo hơn là bắt đầu đan được. Một việc nữa, dùng thanh tre dài cỡ 50cm chuốt từng sợi cói cho thật phẳng, đều để dễ đan” - vừa chuốt sợi cói, bà Ka Bum vừa trao đổi. 
Tận mắt chứng kiến hai bà đan chiếu, tôi mới thấy để làm được một chiếc chiếu cói, đòi hỏi lắm công phu cũng như sự khéo léo. Không sử dụng khung dệt hay bất cứ loại máy móc gì, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay. Biết đan chiếu từ thuở nhỏ nên cả hai bà rất thành thạo. Tay cứ thoăn thoắt giữa từng sợi cói, hai bà làm nhanh đến nỗi, tôi chỉ kịp nghe tiếng va chạm giữa từng sợi cói và khi nhìn thì tấm chiếu đã bện thành hình. Từng ô, từng ô được đan khít vào nhau, phẳng phiu và rất đẹp. Hai bà vừa đan vừa trò chuyện rất vui vẻ, nhẹ nhàng như không. 
Tùy theo mục đích sử dụng mà làm những chiếc chiếu với chiều dài, chiều rộng khác nhau. “Chúng tôi thường đan loại 1,1m x 1,5m, cũng có khi đan loại 1,5m x 2m và có lúc thì đan loại 0,5m x 1m. Chiếu loại 1,5m x 2m dùng để tiếp khách và khi cần cũng có thể làm thành tấm phên phơi lúa” - Bà Ka Bểu nói. Ngoài việc sử dụng cói đan chiếu, hai bà còn dùng cói để đan các vật dụng khác trong nhà. Tất nhiên, tự làm và tự phục vụ nhu cầu trong gia đình chứ ít có người mua. Kỹ lưỡng trong công đoạn chọn nguyên liệu đã đành, hai bà còn kỹ cả trong việc phơi chiếu. “Thời điểm từ 9 giờ đến 12 giờ trưa là thích hợp nhất cho việc phơi chiếu. Phơi ở thời điểm đó, chiếu mới trắng, bóng mượt, sử dụng được lâu” - bà Ka Bum chia sẻ kinh nghiệm.
Qua tìm hiểu, tôi được biết ở thôn 2A hiện chỉ còn bà Ka Bum và bà Ka Bểu là còn biết đan chiếu cói. Tuy vậy, với quyết tâm giữ nghề, bà Ka Bểu đã cố gắng truyền dạy cho cô con gái út là chị Ka Phíp (sinh năm 1983). Hiện tại, chị Ka Phíp có thể tự tay đan những chiếc chiếu một cách khá thành thạo.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm