Người Dao đưa nước về bản

Người Dao đưa nước về bản

Độ dốc lòng suối ở Sa Pa (Lào Cai) lớn. Mùa mưa nước to, chảy xiết, nhưng đục, nên nước suối chỉ được người Dao đỏ sử dụng vào mục đích canh tác. Mùa khô thì bà con sử dụng được hai nguồn nước là nước suối và nước mạch. Vì vậy, về mùa khô, đồng bào có những cách thức khá độc đáo để dẫn nước suối và nước mạch về bản.

 

Sau Tết Nguyên đán, người Dao đỏ đắp đập ngang các con suối, các mạch nước để đưa nguồn nước về bản. Trên một con suối, hoặc một khe nước, người ta có thể đắp nhiều con đập. Địa điểm đắp đập thường được cố định trong nhiều năm, khi nào đập bị nước phá vỡ, sụt lở sâu hai bên bờ, thì họ mới chuyển địa điểm khác. Người Dao đỏ thường quan sát nguồn nước chảy, xem chỗ nào nước chảy không xiết, có độ dốc cao, khoảng cách giữa hai bên bờ hẹp thì đắp đập. Tùy qui mô, lượng nước chảy, mà người Dao đỏ quyết định đắp đập bằng đá hay bằng gỗ.

    2129287.JPG

Máng tre dẫn nước của người Dao được làm từ các thân tre.  Ảnh:dantri.com

“Khi xác định được vị trí đắp đập, họ sẽ lợi dụng những hòn đá có sẵn trong lòng suối tạo thành móng đập, sau đó kê tiếp những hòn đá to liền vào những hòn đá có sẵn trong lòng suối tạo thành hàng chắn ngang dòng suối. Sau đó, người ta xếp lần lượt đá to rồi đến đá nhỏ theo hàng ngang đã định chồng khít lên nhau. Giữa những khoang hở của các hòn đá to, người ta ghép thêm những hòn đá nhỏ sao cho khít các khe hở. Nếu cần lấy hết nước từ lòng suối để tưới tiêu, người ta sẽ lấy đất sét, hoặc đất bùn trộn với rơm rạ hoặc cỏ khô để bịt kín những khe hở của đập nước” - thạc sĩ Bàn Quỳnh Giao, Viện Văn học, cho biết.

Người Dao đỏ thường quy ước: sau mỗi đợt mưa lũ, thanh niên trong bản có nhiệm vụ đi kiểm tra và gia cố lại các đập nước, để đảm bảo nước tưới tiêu cho cây trồng của cả bản. Người Dao đỏ ở Sa Pa thường chọn những cây gỗ cứng, to, chịu nước tốt, chiều dài của cây gỗ tương ứng với độ dài của lòng suối nơi ngăn đập và ăn sâu vào bờ một mét để bờ đập được chắc chắn. Sau đó, người ta chồng tiếp các cây gỗ khác lên và cố định bằng nẹp tre già, chiều cao của đập gỗ từ 60-80 cm. Tùy vào lưu lượng nước chảy mà người ta có thể đóng thêm cây để nâng chiều cao của đập.

 

Đắp đập xong, người Dao đỏ làm mương dẫn nước từ đập về tưới ruộng. Ruộng bậc thang, nên bà con đào mương nước từ đập vào đến thửa ruộng cao nhất, sau đó cho nước chảy đến những thửa ruộng thấp hơn. Ở thửa ruộng cuối cùng, họ sẽ làm mương thoát nước ra suối. Như vậy vừa tiết kiệm, vừa tận dụng được nguồn nước canh tác, lại đỡ được công lao động trong việc đưa nguồn nước vào ruộng bậc thang.

 

Khi dẫn nguồn nước phục vụ nông nghiệp, người Dao đỏ ở Sa Pa sử dụng hệ thống mương để dẫn nước vào các thửa ruộng. Còn khi dẫn nguồn nước mạch về để sinh hoạt, thì bà con lại sử dụng hệ thống máng tre. Các máng nước này thường được chế tạo từ những đoạn tre to thẳng, đục mắt để thông máng. Các máng tre được bắc nối tiếp nhau về đến nơi sinh hoạt. Hệ thống máng này được đỡ bằng hệ thống các cọc gỗ có chạc đôi và thanh tre buộc chéo.

 

Không chỉ dùng nước mạch để sinh hoạt, bà con người Dao đỏ còn khai thác nguồn nước này để đưa vào ao nuôi cá và trồng rau. Với những nơi nguồn nước mạch thấp hơn nơi cư trú, họ chỉ làm máng cho nước chảy ra tại nguồn, sau đó đắp đập đá rồi dùng ống báng xuống đập lấy nước gùi về sinh hoạt, bởi khi mang nước về nhà, phải leo ngược dốc, nếu dùng những dụng cụ khác để lấy nước sẽ không phù hợp với địa hình dốc, làm vướng chân người đi lấy nước, nước sẽ bị sóng đổ ra ngoài.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm