Người Dao cẩn trọng dựng nhà

Người Dao cẩn trọng dựng nhà
Tìm nguyên vật liệu dựng nhà 
 
Người Dao chủ yếu ở vùng Tây bắc và Đông bắc, sống bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước. Bà con thường làm nhà ở những nơi khuất gió, cao ráo, có hướng thoáng và tầm nhìn rộng. Nhà của người Dao thường được làm trên các sườn đồi núi cao, cũng có thể là nơi gần khe suối, để tiện dẫn nước bằng hệ thống máng lần về nhà. Họ  thường chọn địa điểm có bãi rộng để chăn nuôi hay gần ruộng nương để thuận tiện đi lấy củi, hái rau, kiếm cá và gần anh em hàng xóm để có thể hợp sức phòng tránh hiểm nguy.
 
Việc chọn nguyên vật liệu để làm nhà khá công phu. Theo ông Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì thời điểm khai thác những nguyên vật liệu dựng nhà  được bà con rất chú ý. Ví dụ tre, gỗ phải khai thác vào mùa khô. Ngày khai thác phải là ngày tốt và tránh ngày trăng sáng, không trùng ngày chết của người thân và phải kỵ các ngày mùng 4 mùng 7, mùng 9. Đó được coi là ngày của người âm.  

Trước khi chặt cây, người Dao thường xem trước cây đó. Nếu cây đang thay lá thì không chặt hạ, vì sợ phúc không đến. Bà con cũng không chọn cây bị sét đánh, cây gẫy ngọn chết khô…vì theo quan niệm của họ, đem những cây này về cũng như là rước ma về nhà. 
 
Chọn gỗ dựng nhà, người Dao không bao giờ chặt cây đang kì thay lá. Ảnh:dantri.com
Chọn gỗ dựng nhà, người Dao không bao giờ chặt cây đang kì thay lá. Ảnh:dantri.com

Bà con rất thích dùng gỗ dổi, gỗ nghiến hay gỗ sồi để làm nhà, nhưng nghiến là loại phổ biến hơn cả. Ngày xưa, do thiếu những công cụ khai thác nguyên vật liệu, nên để chặt những gốc nghiến, hoặc cây sồi  to, đồng bào Dao có những cách làm rất độc đáo.
 
- Cây nghiến ngày xưa rất to, bằng những phương tiện thô sơ, người ta không cưa được mà phải đốt. Khi cây nghiến đổ xuống rồi, vì nghiến nó cháy ngầm ở bên trong lõi, đầu tiên cháy ngang cho đứt cây sau đó cháy ngầm bên trong lõi, họ phải huy động vài chục cây chuối rừng to về để dập lửa, dập cho bằng sạch than cháy ở cây nghiến đó, rồi mới tiến hành cưa xẻ, đục đẽo được - ông Bàn Tuấn Năng cho biết.
 
Theo ông Năng, nếu vào rừng chọn gỗ, mà nhìn thấy những ký hiệu đánh dấu ở thân cây, thì sẽ họ không bao giờ khai thác nữa, bởi như vậy, cây gỗ đó đã có chủ:
 
- Câu chuyện đánh dấu ở trên rừng, chẳng hạn cá nhân tôi sang năm làm nhà, năm nay tôi thấy một cây nghiến thẳng, tôi sẽ chặt vào gốc một vệt hoặc hai vệt dao, như thế là để những người khác biết rằng đấy là phần cây mà tôi đã nhận và bao giờ tôi khai thác là quyền của tôi, cộng đồng không ai động đến nữa. Trước đây không xảy ra sự tranh chấp, tất cả được xử lý theo nguyên tắc của luật tục, thỏa thuận riêng trong cộng đồng, cộng đồng ấy họ cam kết thực hiện với nhau, tạo nên yếu tố bền vững.
 
Riêng về loại nhà đất thì người ta chủ yếu sử dụng đất vàng pha ít đá nhỏ. Đá có kích thước khác nhau, nhưng không to quá nắm tay. Loại đất này có độ gắn kết tốt và khi khô sẽ không bị nứt nẻ. Sau khi mọi công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu đã xong, người Dao tiến hành dựng nhà. 
 

Người Dao chặt vào thân cây để cho người khác biết cây đã có chủ . Ảnh:dantri.com
Người Dao chặt vào thân cây để cho người khác biết cây đã có chủ . Ảnh:dantri.com

Kiêng kỵ khi người Dao làm nhà

Làng bản của người Dao thường men theo sườn núi, vừa thuận tiện cho việc làm nương và ruộng bậc thang, vừa có thể đưa nước từ khe suối, mạch ngầm về tận nhà phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Nhà dân thường làm ở những nơi địa hình  thấp hơn so với nguồn nước. Dựa vào kinh nghiệm từ nhiều đời truyền lại, có khi chỉ bằng cái kim, hòn đá, người Dao cũng có thể xác định được khu đất đó lành hay dữ, có thể làm nhà được hay không.
- Khi đã chọn được địa điểm thì thường là chiều hôm đó hoặc trong ngày chọn địa điểm, người ta xem đất. Một số người có thể đào một cái hố và chôn xuống đó một hòn đá hoặc là một cái kim. Nếu như hôm sau ra bới lên mà không thấy hòn đá hay cái kim nó xê dịch, có nghĩa là mạch đất ổn định và họ có thể cư trú được. Tuy nhiên, người ta chú ý vào việc trong giấc mơ, chiêm mộng đêm hôm đó, nếu như mơ phải điềm dữ hoặc nghe thấy tiếng nai tác, hổ gầm, cú kêu, thì hôm sau họ cũng xem lại mảnh đất đó, địa thế đó, và nhiều khả năng là sẽ không dựng nhà nơi đó - ông Bàn Tuấn Năng nói.

Theo ông Năng, bà con kiêng kỵ những ngày lẻ, tháng lẻ. Đặc biệt vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, họ sẽ không dựng nhà:
 
- Họ kiêng tháng 3 và tháng 7 còn tất cả các tháng khác các ngày tốt, lành theo sách cúng của dòng họ, họ có thể làm được. Trong câu chuyện của người Dao cũng như các dân tộc khác, thì tháng 3 liên quan đến tục tảo mộ, tết thanh minh. Khi tảo mộ thì họ quan niệm đó là tháng làm nhà cho cho người chết chứ không phải tháng làm nhà cho người sống. Tháng 7 là ngày hội rằm, các dân tộc khác là ngày xá tội vong nhân thì với người Dao, tháng 7 cũng coi là ngày tết hội, họ cúng, họ thỉnh tất cả các loại ma trong nhà, ma ngoài sân, ma ngoài nương rẫy, coi như một ngày hội để cho bên cõi âm cũng được ăn tết lại.
 
Không những thế, người Dao còn khá cẩn thận trong việc xem tuổi chủ nhà. Thậm chí nếu xem sách cúng mà không hợp, thì năm đó tất cả anh em họ hàng trong dòng họ sẽ không được dựng nhà:
 
- Người Dao có hệ thống sách cúng riêng. Họ sẽ căn cứ vào sách đó để xem tuổi. Không phải như sách cúng, tử vi của người Kinh. Ví dụ trong năm Dần chẳng hạn, thì những ai sẽ được làm nhà và tháng này những ai có thể làm được nhà, đấy là một quy trình khá phức tạp. Trong sách cúng có quy định riêng theo từng nhóm như họ Triệu có họ Triệu đỏ, Triệu xanh, Triệu trắng chẳng hạn, thì các dòng họ lại có quy định riêng.
 
Khi mà diện tích rừng tự nhiên đang bị thu hẹp dần, nhiều người đã chọn những nguyên vật liệu mới như gạch, ngói prôximăng để làm nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Dao nay biến đổi, kéo theo những tập tục văn hóa sống cũng dần khác đi. 
Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm