Người dân xã Tân Hóa an tâm trong những ngôi nhà phao tránh lũ

Người dân xã Tân Hóa an tâm trong những ngôi nhà phao tránh lũ
Hầu như các hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đều có nhà phao tránh lũ. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Hầu như các hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đều có nhà phao tránh lũ. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Xã Tân Hóa hiện có hơn 700 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu. Với địa hình đặc thù vùng núi, Tân Hóa nằm lọt giữa thung lũng núi đá vôi. Khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến làng bản nhanh chóng ngập trong biển nước. Ông Cao Thanh Bằng, Trưởng công an xã Tân Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) kể lại: Trước đây, các hang đá, lèn núi cao chính là nơi tránh trú ẩn của người dân và gia súc khi nước lũ tràn về. Đỉnh lũ tháng 10/2010, Tân Hóa ngập sâu trong biển nước gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là về tài sản. Rút kinh nghiệm từ đỉnh lũ lịch sử đó, nhân dân Tân Hoá sáng tạo làm nhà nổi bằng thùng phi nhựa và phao để tránh lũ. Từ đó, những mùa mưa bão về sau, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã chủ động di chuyển người và tài sản lên gác trên của mái nhà hoặc vào nhà phao để tránh trú. Xã Tân Hóa hiện có 450 nhà phao tránh lũ. Theo người dân xã Tân Hóa, nhà phao tránh lũ được xây dựng khá kiên cố với kinh phí xây dựng khoảng từ 20-40 triệu/nhà, tùy theo điều kiện kinh tế từng hộ. Nhà phao tránh lũ chủ yếu được xây lắp bằng gỗ, phía dưới sàn được gắn đỡ bằng các thùng phi nhựa rỗng loại 50 lít, có dây néo chặt ở các góc và chèn trụ đỡ chắc chắn. Mái nhà được lợp bằng tôn hoặc phủ bạt che chắn, sàn nhà làm bằng gỗ. Khi nước lũ lên đến đâu, nhà phao nổi đến đó, nước rút thì nhà xuống theo. Hết mưa lũ, nhà phao sẽ được người dân sử dụng vào những việc khác như làm nhà kho hoặc nơi dự trữ lương thực… khi nào có lũ lại mang ra dùng.
Người dân di chuyển đồ đạc, vật dụng của gia đình lên nhà phao, bè phao để tránh lũ. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Người dân di chuyển đồ đạc, vật dụng của gia đình lên nhà phao, bè phao để tránh lũ. Ảnh: Võ Dung-TTXVN
Những năm gần đây, tại huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhà phao, nhà nổi tránh lũ cơ bản phát huy được tác dụng, hỗ trợ bà con phòng chống thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Đối với các hộ nghèo, gia đình khó khăn, huyện Minh Hóa có chính sách hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ, xây nhà nổi, nhà phao tránh lũ. Bà Trương Thị Liệu, thôn 1 Cổ Liên, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày qua, mưa lớn liên tục khiến nước dâng cao, các thôn bản bị chia cắt, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền bè. Để phòng tránh nước lũ tràn về bất ngờ, gia đình bà đã chủ động thu dọn hết đồ đạc, di chuyển người và vật dụng sinh hoạt, áo quần, thuốc men, nhu yếu phẩm, lương thực lên nhà phao. Riêng đàn gia súc, gia cầm cũng đã lùa lên lán trại ở khe núi cao. “Hầu như các nhà dân trong xã đều có nhà phao để tránh lũ. Tuy xây nhà tránh lũ tốn nhiều tiền nhưng cũng vẫn an tâm hơn và không lo cảnh chạy lụt như trước nữa. Nhà tránh lũ được xem là phao cứu sinh của nhân dân thôn 1 Cổ Liên và cả xã Tân Hóa”, bà Liệu chia sẻ thêm. Những ngày vừa qua, trước diễn biến bất thường của áp thấp nhiệt đới, UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương. Trong đó, tuyên truyền, nhắc nhở và cấm người dân lội qua khe suối, sông, ngầm tràn để bắt cá, vớt củi. Ở những địa bàn dễ bị mưa lũ chia cắt như xã Tân Hóa, Thượng Hóa, Minh Hóa, UBND huyện Minh Hóa phối hợp với các Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn vận chuyển, tích trữ gạo và các nhu yếu phẩm tại các đồn để kịp thời phân phát cho nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.  Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định số 3309/QĐ-UBND ngày 30/8 về việc phân bổ trên 3.800 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trong thực hiện Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam (đợt 8). Dự án do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ và với sự hỗ trợ của UNDP triển khai thực hiện. Theo đó, sẽ có 306 hộ nghèo thuộc các huyện Lệ Thủy (90 hộ), Quảng Ninh (82 hộ), Bố Trạch (12 hộ), Quảng Trạch (77 hộ) và thị xã Ba Đồn (45 hộ) được hỗ trợ cấp kinh phí xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lũ. Qua đó, sẽ góp phần giúp người dân nghèo, vùng khó khăn tăng khả năng chống chịu với tác động của thiên tai, hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra trong mưa bão, từ đó người dân an tâm sinh sống, lao động và sản xuất.
Võ Dung

Có thể bạn quan tâm