Người dân vùng cao Kim Bôi "khát" nước sạch

Hơn 120 hộ dân với khoảng 550 nhân khẩu tại xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, đang thiếu nước sạch trầm trọng. Các hộ chật vật từng ngày tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt phục vụ đời sống.

Nguoi dan vung cao Kim Boi "khat" nuoc sach hinh anh 1Chất lượng nước tại các giếng khoan đục và có mùi tanh khó chịu. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Từ tháng 12/2019, xã Kim Bôi được sáp nhập từ 3 xã Kim Tiến, Kim Truy và Kim Bôi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, toàn xã hiện mới có 2 công trình cung cấp nước sạch, không đủ đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân. Tình trạng "khát" nước sạch tại xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, diễn ra nhiều năm qua, nguyên nhân chính do địa hình đa phần là đồi núi cao, khan hiếm các mạch nước ngầm.

Nguoi dan vung cao Kim Boi "khat" nuoc sach hinh anh 2Anh Bùi Văn Hiệu, Trưởng xóm Đồi 2, kiểm tra mó nước trên đồi, vì nơi tích nước hay bị cặn bùn gây tắc ống dẫn nước. Ảnh: Thanh Hải – TTXVN

Thiếu nước, người dân phải tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt. Nhiều hộ phải tìm các mó nước, khe suối trên đồi cao với lượng nước ít ỏi, sau đó đầu tư mua ống nước nhựa, kéo men theo đường làng hàng cây số để đưa nước về nhà. Tuy nhiên, thiết bị dẫn nước đều là ống nhựa chỉ dùng được một thời gian ngắn là bị gãy, đứt và hư hỏng hoặc người đi nương làm rẫy chặt nhầm, trâu bò kéo đứt...

Anh Bùi Văn Hiệu, Trưởng xóm Đồi 2 bày tỏ, vào mùa mưa, số hộ có nước sinh hoạt khoảng 60%, đến mùa khô (từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau) thì khoảng 80% hộ dân thiếu nước. Để khắc phục, người dân đã phải mang xô, can đi xin nước của các nhà có nước ở vùng thấp. Điều đáng nói, người dân xóm Đồi 2 sử dụng nguồn nước chưa qua kiểm nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe, dễ mắc một số bệnh liên quan đến da liễu, tiêu hóa.

Nguoi dan vung cao Kim Boi "khat" nuoc sach hinh anh 3 Bà Bùi Thị Ngởm, xóm Đồi 2, sử dụng tiết kiệm nguồn nước được kéo từ trên đồi về nhà. Ảnh: Thanh Hải – TTXVN

Bà Bùi Thị Ngởm, xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, giãi bày, nhà tôi cùng nhiều hộ ở đây mùa mưa mới đủ nước để dùng, mùa khô phải đi tìm khắp nơi, có lúc phải đi 2-3km để mang nước về. Việc tắm, giặt hầu hết người dân nơi đây phải ra suối Khoang Cửa, nước suối đục ngầu dùng cho tưới tiêu nhưng vẫn phải dùng.

Nguoi dan vung cao Kim Boi "khat" nuoc sach hinh anh 4Suối Khoang Cửa với mục đích tưới tiêu nông nghiệp nhưng do không có nước nên người dân phải dùng để tắm giặt hàng ngày. Ảnh: Thanh Hải – TTXVN

Gia đình chị Hoàng Thị Lấn, xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, nhiều năm nay không có nước sạch để dùng, đã đào giếng với chi phí khoảng 7-8 triệu đồng nhưng không thành công. Nguyên nhân một phần là do kết cấu nền đất nhiều đá tảng to, cứng lại rất dễ bị sập, phần khác do khó tìm được mạch nước ngầm. Vì vậy, gia đình đã phải đầu tư xây bể chứa nước mưa.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Bôi Bùi Văn Phong cho biết, trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh như hiện nay, chính quyền địa phương đã báo cáo cấp trên để sớm có phương án khắc phục.

Nguoi dan vung cao Kim Boi "khat" nuoc sach hinh anh 5Anh Quách Văn Tỳ, xóm Đồi 2, đào giếng nhưng chỉ có nước vào mùa mưa, còn mùa khô giếng hầu như không có nước. Ảnh: Thanh Hải – TTXVN

Việc thực hiện Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại tỉnh Hòa Bình những năm qua rất thiết thực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cách nghĩ, cách làm của chính quyền và người dân vẫn chưa tạo sự thống nhất từ khâu quy hoạch, bảo quản tài sản công, phát huy sức mạnh đoàn kết mới dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay.

Thanh Hải

Tin liên quan

Hàng ngàn hộ dân huyện miền núi Nam Đông 'khát' nước sạch

Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân ở 5 xã vùng cao của huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang phải sống "chật vật" hàng ngày do thiếu nguồn nước sạch để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu, nhất là vào thời điểm mùa khô. Trong khi đó, Dự án xây dựng Nhà máy nước sạch Thượng Long được khởi công từ cuối năm 2020, với mục tiêu đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con nơi đây vẫn đang thi công ì ạch, chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.


Thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, hiện có 19 hệ thống cấp nước sinh hoạt và 80 giếng khoan cấp nước cho 5.328 hộ dân, nhưng có tới 8 công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này khiến người dân bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và đời sống sản xuất hàng ngày.


Nhiều hộ dân ở thành phố Sơn La thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng

Thời tiết nắng nóng, ít mưa, khiến các nguồn nước ở nhóm 4, tổ 11, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) bị suy giảm rõ rệt, cạn kiệt và ngày càng ô nhiễm. Nhóm 4, tổ 11 hiện có một giếng đào và khoảng 10 ao nhỏ nên nỗi lo của người dân luôn hiện hữu mỗi khi bước vào mùa khô.


Gia Lai: Hàng chục nghìn hộ dân "khát" nước sạch

Hiện hơn 90% dân số tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang sử dụng nguồn nước nhiễm phèn từ giếng khoan, giếng đào, nước máy chưa qua hệ thống xử lý, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, nguồn nước tại đây nhiễm phèn từ trước đến nay, chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp nào khắc phục ngoài việc trông chờ vào nguồn kinh phí nhà nước đầu tư nâng cấp công suất và mở rộng hệ thống đường dẫn nước sạch về khu dân cư.



Đề xuất