Người dân Thủ đô tiếp cận di sản thế giới tại Việt Nam

Người dân Thủ đô tiếp cận di sản thế giới tại Việt Nam
Đây là sự kiện triển lãm “Tiếp cận di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp cùng Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên tham quan triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên tham quan triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên tham quan triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Hơn 70 tài liệu, hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ trên kiến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản, mộc bản, triển lãm mang đến cho công chúng cái nhìn khái quát về di sản tư liệu triều Nguyễn đã được Unesco công nhận. Người dân Thủ đô và du khách được tìm hiểu về giá trị các di sản này thông qua một số chủ đề nổi bật như: Quốc hiệu đất nước qua mộc bản, khoa cử thời Nguyễn qua châu bản và tinh thần dân tộc qua thơ trên kiến trúc cung đình Huế.

Quốc hiệu đất nước qua các thời kỳ phản ánh đầy đủ qua mộc bản, mỗi trang tài liệu là một câu chuyện lịch sử về quốc hiệu của nước ta. Đó là phiên mộc bản về việc Hùng Vương đặc quốc hiệu Văn Lang vào năm 1998 TCN, phiên mộc bản về việc Thục Phán – An Dương Vương đổi quốc hiệu Âu Lạc, phiên mộc bản về việc Lý Nam Đế đặt quốc hiệu Vạn Xuân và đóng đô ở Long Biên, phiên mộc bản về việc vua Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt vào năm Mậu Thân 968… Ngoài ra còn có phiên mộc bản bài Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn năm 1010, phiên mộc bản bài thơ thần Nam quốc sơn hà – Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ hai của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Tại triển lãm, châu bản được giới thiệu tập trung vào chủ đề giáo dục và khoa cử triều Nguyễn với nhiều vấn đề trong chính sách giáo dục, đào tạo, tuyển cử của triều Nguyễn trong đào tạo và sử dụng nhân tài. Cụ thể, bản tấu của Bộ Lễ về việc ban yến sau khoa Chế khoa năm Tự Đức thứ 4 (1851), bản phụng thượng dụ của Nội các về việc tuyển chọn nhân tài từ các kỳ thi năm Tự Đức thứ 8 (1855), bản tấu của Bộ Lễ về việc những người thi đỗ được chiêm bái nhà vua năm Tự Đức thứ 20 (1867).

Múa cung đình Huế tại lễ khai mạc. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Múa cung đình Huế tại lễ khai mạc. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được giới thiệu tại triển lãm là những bài thơ bằng chữ Hán tập trung ở nhiều đề tài khác nhau, nổi bật hơn cả là tinh thần dân tộc qua việc khẳng định những truyền thống văn hiến tốt đẹp cũng như niềm tự hào về giang sơn, gấm vóc Việt Nam.

Triển lãm kéo dài đến hết tháng 9/2017.
Đinh Thị Thuận

Có thể bạn quan tâm