Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh

Do đặc thù địa hình chia cắt bởi nhiều sông, suối nên trên địa bàn tỉnh Sơn La có hàng trăm vị trí cần phải xây cầu dân sinh. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên nhiều nơi chưa có cầu hoặc đã bị xuống cấp, không đảm bảo dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 1 Người dân bản Đen, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La) hàng ngày phải lội suối để đi lại. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

* Gian nan vượt suối

Nhiều năm qua người dân ở bản Đen, xã biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã luôn mong chờ về một cây cầu cứng để vượt qua con suối Nậm Lẹ. Bởi để vào bản, chỉ có con đường duy nhất là đi qua dòng suối này. Có mặt tại đây vào những ngày đầu tháng 3, thời điểm bắt đầu mùa khô, dòng suối đã cạn bớt nhưng có thể nhận thấy việc qua lại của bà con trong bản rất khó khăn. Do không có cầu nên để đi lại người dân phải lội qua con suối rộng hơn 20m. Theo người dân, từ khoảng tháng 6 hàng năm, khi vào mùa nước lũ, bản Đen hoàn toàn bị cô lập. Lúc đó, trẻ em hầu như phải nghỉ học vì không thể lội qua suối đến trường, việc chở nông sản cũng bị ngưng trệ.

Chị Lò Thị Don, người dân bản Đen chia sẻ, bà con ở đây rất vất vả. Mỗi lần muốn ra chợ hay đưa con đi học đều phải lội qua suối. Các con còn nhỏ nên buộc bố mẹ phải cõng trên vai, có những hôm không may bị ngã thì ướt hết sách vở, quần áo.

Bản Đen có 87 hộ dân với gần 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xinh Mun. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước đây, người dân bản Đen đã từng có một cây cầu treo. Tuy nhiên, năm 2017 cầu treo bị lũ cuốn trôi. Sau khi được tu sửa, đến năm 2019 cầu lại bị cuốn trôi lần nữa. Kể từ đó cây cầu treo không còn được sửa chữa.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 2 Cây cầu làm bằng tre đan do người dân bản Đen, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La) tự làm đã bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Vì thế, hằng năm người dân trong bản tự đóng tiền, thuê máy móc, nhân công để làm cầu tre đi tạm. Nhưng do cầu có trụ ghép bằng đá, mặt cầu bằng tre nên cứ sau một trận lũ lớn lại bị cuốn mất. Những năm qua, việc cầu tre cứ làm rồi bị trôi, trôi rồi lại làm cứ lặp lại khiến người dân bản Đen tốn rất nhiều tiền của.

Ông Vì Văn E, Trưởng bản Đen cho biết, những năm trước đến khoảng tháng 6, tháng 7 cầu tre mới bị lũ cuốn trôi. Nhưng năm nay mới chỉ qua một trận mưa lớn, kéo theo lũ quét đã cuốn trôi mất cây cầu. Bà con trong bản đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp chính quyền mong sớm có cây cầu kiên cố, tuy nhiên đến nay cây cầu này còn chưa có trong bất cứ danh mục cần đầu tư của huyện, của tỉnh.

Tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã hiện có 3 vị trí cần xây dựng cầu kiên cố nhưng vẫn chưa được thực hiện. Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương cho biết, do có nhiều sông suối chảy dọc, cắt ngang qua địa bàn nên để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cần số cầu rất lớn. Vào mùa mưa, việc đến trường của học sinh cũng như hoạt động mua bán lương thực, thực phẩm, trao đổi hàng hóa của người dân rất khó khăn.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 3 Người dân đi qua một cây cầu treo đã xuống cấp tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Còn tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn hiện có 5 vị trí cần cầu dân sinh để qua suối. Một số điểm đã có cầu treo nhưng hầu hết đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại hiện nay. Trong số đó, khó khăn nhất là đường đến các bản Tảng và bản Bống Khoáng. Gần 100 hộ dân của 2 bản này thường xuyên bị gián đoạn việc đi lại, nhất là vào những hôm trời mưa to do nước suối tràn về cắt ngang một đoạn đường. Hiện phương án làm cầu cứng hay đập tràn đều quá sức đóng góp của nhân dân trên địa bàn nên chỉ còn trông chờ sự đầu tư của nhà nước.

Ông Lò Văn Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương thông tin, trước đây bà con chủ yếu sản xuất lúa, ngô việc vận chuyển có thể thực hiện bằng xe máy nên có thể tranh thủ những ngày trời không mưa để qua suối. Nhưng hiện nay, người dân chuyển sang nhiều loại cây trồng khác như sắn, mía với khối lượng lớn. Trong khi đó cần vận chuyển ngay sau khi thu hoặc bằng ô tô để kịp bán cho nhà máy nên việc đi lại qua suối diễn ra thường xuyên. Nhưng vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, việc đi lại hầu như bị gián đoạn bởi nước suối dâng cao.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 4Đường đến bản Tảng và bản Bống Khoáng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La) chưa có cầu nên người dân phải đi qua suối. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN


* Khó khăn do thiếu vốn đầu tư

Tại huyện Sông Mã có hơn 80 cầu dân sinh qua sông, suối nhưng hầu hết đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, huyện mới chỉ được đầu tư xây dựng 7 cầu dân sinh theo "Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương" (LRAMP) của Bộ Giao thông Vận tải.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 5Do cầu treo nhỏ, yếu nên xe ô tô phải đi qua suối tại bản Pó Ịn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sông Mã cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 huyện đã lựa chọn 5 cây cầu qua Sông Mã để đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương. Nhưng hiện nhu cầu đầu tư rất lớn, nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn khó có thế đáp ứng.

Ngoài ra, khó có thể huy động nguồn lực từ nhân dân để thực hiện những cây cầu này vì đa số bà con ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập còn thấp. Vì vậy, đề nghị tỉnh Sơn La, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện dự án LRAMP để đầu tư các cầu dân sinh phục vụ người dân, như vậy mới hoàn thành mục tiêu xây dựng các cây cầu trên địa bàn.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 6 Vào mùa mưa, bản Đen, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La) thường xuyên bị cô lập do không có cầu qua suối. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Số lượng cầu dân sinh cần xây dựng nhiều nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề khó khăn chung của nhiều địa phương khác tại tỉnh Sơn La. Theo thống kê của ngành giao thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 436 vị trí cần phải làm cầu dân sinh. Trong số đó, đưa vào danh mục cầu đầu được đầu tư theo dự án LRAMP giai đoạn 2015 – 2025 là 167 cầu. Giai đoạn 2015 - 2021, dự án LRAMP đã đầu tư xây dựng được 65 cây cầu kiên cố.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La Nguyễn Văn Chính, tỉnh còn lại gần hơn 370 vị trí cần thiết phải đầu tư cầu dân sinh. Trong số đó, có những vị trí nhân dân đã làm nhưng tự phát, không đảm bảo yếu tố kỹ thuật hoặc các công trình đã khai thác từ lâu, xuống cấp và tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn, cần thiết phải đầu tư.

Người dân Sơn La gặp khó khi thiếu cầu dân sinh ảnh 7 Cầu treo tại bản Pó Ịn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã làm từ lâu nên không còn đáp ứng nhu cầu của các phương tiện vận tải lớn. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Hiện nay, khó khăn nhất là nguồn kinh phí của tỉnh hết sức hạn hẹp. Ngoài ra, các cây cầu có quy mô tương đối lớn nhưng sự đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng còn khó khăn. Bên cạnh đó, đối với cầu dân sinh Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy chuẩn và mẫu thiết kế định hình. Nhưng để làm được theo mẫu thiết kế định hình này thì chi phí lớn, vượt quá sức đóng góp của nhân dân trên địa bàn.

Ngành giao thông vận tải Sơn La kiến nghị Trung ương, địa phương lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ bà con xây dựng các cây cầu dân sinh theo các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án LRAMP giai đoạn 2021 - 2025.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm