Người Đan Lai ấm no nơi bản mới

Người Đan Lai ấm no nơi bản mới

Năm 2006, đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát" được thực hiện, đã thay đổi cuộc sống của tộc người có dân số vào hàng ít nhất Việt Nam.

Bản Cửa Rào là một trong những điểm tái định cư đầu tiên của đồng bào Đan Lai ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, có hơn 30 hộ dân. Khu tái định cư này trông xa như một khu tập thể nhỏ với những ngôi nhà cấp 4 san sát. Phía trước dãy nhà là những thửa ruộng khá xanh tốt, còn phía sau là khu rừng keo, mét. 

Từ chỗ sống dựa vào rừng, ngày nay, bà con Đan Lai đã sản xuất nông nghiệp. Chị La Thị Nguyện, 50 tuổi, kể:

- Giờ cũng ổn định rồi. Đất ruộng có 2,7 sào. Tháng 7 trồng lúa; tháng 2, 3 là trồng ngô, lạc, sắn. Nhà nước giúp đỡ dân bớt nhiều rồi cái khó khăn. Nước về ruộng, phân bón khó khăn thì nhờ cấp trên ủng hộ. Năm 2004, được chia đất rừng 6 sào, bắt đầu trồng mét, trồng keo, thu hoạch măng đi bán.

 
DSC_0331.JPG

Thửa ruộng xanh tốt phía trước khu tái định cư của đồng bào Đan Lai

Chị Nguyệt kể người Đan Lai khi xưa chỉ giỏi hái quả trong rừng, đào củ trên núi hoặc bắt con cá trong khe ăn qua ngày. Những năm đầu chuyển về nơi ở mới, ruộng lúa mùa được, mùa không nên phải sống dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bị mang tiếng là trông chờ ỷ lại, chị áy náy lắm. Chị càng quyết tâm thoát nghèo. Chị Nguyệt khoe, năm vừa rồi, gia đình chị là hộ đầu tiên trong bản nộp đơn "không làm hộ nghèo":

 
- Ai có cái chi hay hay là tự đi lấy giống về trồng. Gia đình tôi, ở đây cũng như trong khe, luôn tư tưởng thoát khỏi hộ nghèo. Hộ nghèo là cứ xin, nhờ vào Nhà nước thì cũng khổ Nhà nước. Nhà nước vừa nuôi người già, các trẻ mồ côi, học sinh ăn học đủ kiểu. Gia đình mình cũng không đông người thì xin thoát để nhường cho người khác.

 
unnamed.jpg

Những đứa trẻ Đan Lai

Từ khi nhà chị La Thị Nguyệt không muốn "làm hộ nghèo", nhiều gia đình Đan Lai ở bản Cửa Rào cũng noi gương. Người Đan Lai không muốn mang tiếng là trông chờ ỷ lại nữa. 


Ông Lương Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Môn Sơn, cho biết:

- Sau khi nhận được thông tin người dân xin ra khỏi hộ nghèo thì tôi thấy vững tâm hơn. Chính hộ này làm gương cho những hộ tiếp theo. Trước đây người ta cứ nghĩ nằm trong hộ nghèo là được hưởng hết chế độ chính sách. Sau khi tuyên truyền phân tích hộ nghèo là thế nào, hộ nghèo được hưởng gì, dành cho đối tượng nào, hiểu là người ta viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo như thế.

 
DSC_0334.JPG

Những nếp nhà san sát ở khu tái định cư

Từ năm 2006,  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai, huyện có thêm kinh phí để xây dựng các khu tái định cư bài bản hơn. Ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, người dân đã được ở trong những ngôi nhà sàn truyền thống thay vì nhà gạch như ở Cửa Rào. Đất sản xuất được cấp nhiều hơn. 

Ông La Quang Vinh, trưởng bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, cho biết:

- Về đây cuộc sống thoải mái hơn. Về đây mình trồng cây ăn quả cũng quen dần, làm ruộng làm chi cũng quen thôi. Về đây từ năm 2007 đến giờ trồng được hơn 3ha keo, sắp thu hoạch bán.
 
Ông Hồ Đăng Tà, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông, khẳng định:

- Huyện đang hoàn thành hạng mục công trình tái định cư ở bản Kẻ Tắc, xã Thạch Ngàn và vận động người dân tiếp tục chuyển về nơi ở mới. Việc đưa người Đan Lai từ vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát ra ngoài không chỉ giúp cải thiện đời sống cho bà con mà còn dần xóa bỏ nạn hôn nhân cận huyết đã tồn tại nhiều năm nay. Như ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, khi đưa ra là 43 hộ, hiện nay đã tăng lên 52 hộ. Trong đó có gần 10 hộ hôn nhân với người Thái, người Kinh. Chúng tôi sẽ vận động 200 hộ đang sống trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát ra tái định cư ngoài này.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm