Người dân không nên quá hoang mang trước dịch bệnh do vi rút Zika

Người dân không nên quá hoang mang trước dịch bệnh do vi rút Zika

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có 61 nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng của Việt Nam đã phát hiện các ca bệnh nhiễm vi rút Zika. Mặc dù vi rút Zika và sốt xuất huyết đều lây truyền qua muỗi vằn Aedes agypty nhưng sốt xuất huyết nguy hiểm hơn nhiều. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bệnh nhân nhiễm vi rút Zika thông thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Vi rút Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm Zika đều mắc dị tật này. 
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành, bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để triển khai công tác giám sát tình hình dịch bệnh do virus Zika. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành, bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để triển khai công tác giám sát tình hình dịch bệnh do virus Zika. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Lãnh đạo Bộ Y tế và UBND thành phố Hồ Chí Minh lưu ý người dân sinh sống trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các thai phụ không nên hoang mang, lo lắng quá mức; có niềm tin vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ ngành cũng như sự chuẩn bị của ngành y tế. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Hiện hệ thống phòng thí nghiệm và phác đồ điều trị đã sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, m ỗi người cần chung tay với ngành y tế tham gia diệt muỗi, lăng quăng ở khu vực sinh sống; nếu không cần thiết thì người dân không nên qua vùng có dịch; phụ nữ mang bầu dưới 3 tháng cần phòng tránh, không để bị muỗi đốt. 

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cho rằng, nếu thai phụ có biểu hiện triệu chứng của bệnh do vi rút Zika và từng du lịch hay công tác đến vùng dịch thì nên đăng ký xét nghiệm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người dân lo lắng, đổ xô đi xét nghiệm vi rút Zika, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết lưu ý, việc xét nghiệm chỉ nên thực hiện trên đối tượng phụ nữ đang có thai trong 3 tháng đầu, có biểu hiện sốt, phát ban kèm theo triệu chứng đau nhức cơ hoặc đi tới vùng dịch hoặc có liên quan đến người đi về từ vùng dịch. Nếu không, sẽ làm tăng gánh nặng cho ngành y tế cũng như tăng chi phí điều trị trong xã hội.
 

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các tình huống xuất hiện vi rút Zika. Ngoài việc thực hiện giám sát trọng điểm tại 30 cơ sở y tế thì các cơ sở điều trị cũng sẵn sàng về nhân lực, thuốc men. 


 

Y tế dự phòng Thành phố phun thuốc diệt muỗi và lăng quăng khu vực bên ngoài tòa nhà nơi làm việc của bệnh nhân nhiễm virus Zika. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Y tế dự phòng Thành phố phun thuốc diệt muỗi và lăng quăng khu vực bên ngoài tòa nhà nơi làm việc của bệnh nhân nhiễm virus Zika. Ảnh: Phương Vy-TTXVN



Ngay trong chiều 5/4, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phun xịt hóa chất diệt muỗi ở nơi cư trú của bệnh nhân mắc vi rút Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 và ở nơi làm việc của bệnh nhân tại quận 1. Tại nơi cư trú của bệnh nhân, việc phun hóa chất được thực hiện trong vòng bán kính 200m tính từ nhà của bệnh nhân. Tại quận 1, việc phun hóa chất được thực hiện dọc tuyến đường Lê Duẩn. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố đã ban hành khẩn kế hoạch phòng chống vi rút Zika; trong đó, khuyến cáo các hãng hàng không chủ động phun hóa chất diệt muỗi trên máy bay trước khi đến sân bay Tân Sơn Nhất đối với các chuyến bay đến từ vùng dịch Zika hoặc trên máy bay có hành khách trở về từ vùng dịch. Sở Y tế thành phố cũng chỉ đạo các bệnh viện có khoa sản thực hiện truyền thông cho thai phụ về bệnh gây ra do vi rút Zika đồng thời giám sát, phát hiện tật đầu nhỏ qua chẩn đoán tiền sản và qua thăm khám sơ sinh, gửi mẫu xét nghiệm về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trước việc một trường hợp nhiễm vi rút Zika được phát hiện trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố lưu ý các cơ quan truyền thông cần cẩn trọng khi đưa tin, tránh gây hoảng loạn, lo lắng trong nhân dân. Thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế và các địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh này trên địa bàn. 

Các bác sỹ tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng chuẩn bị công tác tiếp nhận bệnh nhân nhiễm vi rút Zika nếu có. Ảnh: Đinh Văn Nhiều - TTXVN
 Các bác sỹ tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng chuẩn bị công tác tiếp nhận bệnh nhân nhiễm vi rút Zika nếu có. Ảnh: Đinh Văn Nhiều - TTXVN



Có thể bạn quan tâm