Người dân Khmer ổn định cuộc sống trên vùng biên giới Vĩnh Điều

Người dân Khmer ổn định cuộc sống trên vùng biên giới Vĩnh Điều
Vĩnh Điều là xã biên giới vùng sâu vùng xa của tỉnh Kiên Giang. Từ lâu, Vĩnh Điều đã được hỗ trợ nhiều chính sách từ Chương trình 135 của Chính phủ. Toàn xã Vĩnh Điều có 1.900 hộ dân; trong đó có 218 hộ người Khmer, chiếm 11,47% hộ dân toàn xã. Các hộ người Khmer tập trung chủ yếu ở ấp Tràm Trổi với 166 hộ.

Từ năm 2003, theo chủ trương di dân của tỉnh Kiên Giang, 320 hộ nghèo trong đó có gần 50% hộ người Khmer từ các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, An Biên đã lên Vĩnh Điều lập nghiệp. Ông Danh Nho, quê ở ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, nhớ lại: "Những ngày đầu ở đây, điều kiện sống vô cùng khó khăn bởi đất đai thời điểm bấy giờ toàn lau sậy, tràm và bị nhiễm phèn rất nặng, gần như không thể canh tác được. Tuy nhiên, Nhà nước đã hỗ trợ, ưu đãi cho bà con người Khmer chúng tôi rất nhiều, từ việc cấp 3 ha đất canh tác, hỗ trợ tiền vốn đầu tư khai hoang, trang bằng mặt ruộng. Năm 2012, gia đình tôi còn được cấp 20 triệu đồng để cất nhà, được hưởng nhiều chế độ vay ưu đãi của ngân hàng chính sách giúp phát triển kinh tế".

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Điều Trần Thanh Lâm, cuộc sống của đồng bào Khmer những năm đầu trên vùng biên giới Vĩnh Điều rất khó khăn, bởi hệ thống giao thông, thủy lợi gần như không có. Thời gian sau, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước phần lớn được tập trung cho Vĩnh Điều, nhất là khu vực biên giới. Theo đó, điện, đường giao thông, hệ thống thủy lợi ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, các chính sách về vay vốn tín dụng cho đồng bào dân tộc thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế luôn được chính quyền địa phương thực hiện kịp thời. Bên cạnh đó, hàng năm Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Điều còn vận động các nhà tài trợ, sự đóng góp của một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây nhà cho những hộ khó khăn là đồng bào dân tộc Khmer; triển khai nhiều mô hình kinh tế như chăn nuôi trâu bò, trồng sen trên đất lúa... Nếu như trước đây các hộ nghèo người Khmer ở vùng biên giới Vĩnh Điều là 100%, nay chỉ còn chưa tới 50%, tương đương 27 hộ. Cuộc sống bà con Khmer ở đây đang ngày càng ổn định, từng bước tiến tới thoát nghèo hoàn toàn, góp phần giúp Vĩnh Điều hoàn thành mục tiêu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Ông Danh Nho chia sẻ: "Trước đây, tôi phải đi làm thuê sống qua ngày. Sau mười mấy năm lập nghiệp ở đây, thông qua các chính sách hỗ trợ, gia đình tôi và các hộ người Khmer có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, sắm sửa được các tiện nghi trong nhà, nuôi dạy con cái nên người, có nghề nghiệp ổn định. Vợ tôi bị bệnh hàng tháng phải khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, được Nhà nước miễn phí hoàn toàn, sau một năm bệnh tình đã thuyên giảm rất nhiều… Gia đình tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho đồng bào dân tộc vùng biên giới như chúng tôi!".

Ông Danh Nho hiện tham gia Tổ an ninh trật tự để tuyên truyền chính sách, pháp luật đến người dân, vận động người dân cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp tại địa phương. Gia đình ông cũng luôn tự ý thức làm gương trong phong trào làm hàng rào, trồng hoa trên các tuyến đường kênh vùng biên giới Vĩnh Điều; sử dụng nước sạch, làm cầu tiêu tự hoại để giữ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh…

Quê ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, anh Danh Ngọc Lợi lên lập nghiệp tại ấp Tràm Trổi từ năm 2003. Đến năm 2017, gia đình anh được hỗ trợ vay vốn để cải tạo đất làm mặt bằng trồng lúa. Với 3 ha đất của gia đình cộng thêm 6 ha thuê lại, anh Lợi trồng giống lúa Nhật 2 vụ/năm  theo kỹ thuật canh tác được tập huấn do Trung tâm Khuyến nông huyện Giang Thành tổ chức. Sau hai năm trúng mùa, lợi nhuận 20 triệu đồng/ha/vụ, bình quân gia đình anh thu được 360 triệu đồng/năm, đời sống kinh tế đã có bước phát triển đáng kể.

Bí thư, Trưởng ấp Tràm Trổi Nguyễn Văn Vi cho biết, ngoài nỗ lực làm kinh tế, các hộ người Khmer luôn tham gia các cuộc họp phổ biến chính sách mới của địa phương, chú ý lắng nghe và sẵn sàng ý kiến khi có thắc mắc cần giải đáp. Bà con luôn nắm bắt nhanh, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn chấp hành pháp luật. Đồng bào người Khmer vùng biên giới nhiều năm qua cũng luôn đoàn kết với nhau, hỗ trợ chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương Vĩnh Điều ngày càng giàu đẹp.

Hồng Đạt

Có thể bạn quan tâm