Người dân hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông ở Bình Phước

Hai ngày qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tình nguyện cắt cây trồng, hiến hàng ngàn mét vuông đất cho nhà nước để làm đường giao thông, thực hiện tuyến đường quy hoạch số 34 (hay còn gọi là đường Hải Thượng Lãn Ông).

Nguoi dan hien hang ngan met vuong dat lam duong giao thong o Binh Phuoc hinh anh 1Người dân tự nguyện chặt hạ cây trồng, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước làm đường. Ảnh: TTXVN phát

Gia đình ông Phùng Viết Hệ (ở phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài) có hơn 1,1 héc ta cao su đang cho thu hoạch tại khu phố 5, phường Tiến Thành, nhưng có đến gần 3.000 m2 đất nằm trong vào quy hoạch đường số 34. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình ông Hệ đã tự nguyên hiến toàn bộ diện tích đất gần 3.000 m2 để nhà nước làm đường giao thông theo quy hoạch. Với diện tích hiến tặng, mỗi năm, gia đình ông Hệ sẽ “thất thu” khoảng gần 20 triệu đồng từ cạo mủ cao su. Dù vậy, ông và gia đình vẫn rất vui vẻ.

Theo ông Hệ, khi hiến đất, gia đình ông chỉ suy vì lợi ích chung hài hòa của nhà nước và nhân dân về hạ tầng giao thông, với mong muốn dự án sớm được hoàn thành. “Gia đình chúng tôi chỉ đề nghị sau khi đã hiến đất, chính quyền địa phương cần sớm tạo điều kiện chỉnh lý lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được sớm chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Hệ nói.

Tương tự, gia đình ông Phùng Viết Thế (ngụ phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài) hiến 3.200 m2 trên tổng diện tích 12.000 m2 đất ở khu phố 5, phường Tân Bình, để thực hiện quy hoạch đường 34. Việc hiến đất của gia đình ông Thế được thực hiện rất nhanh chóng. Sau khi nghe chính quyền địa phương vận động, giải thích, ông Thế nhận thấy việc hiến đất vừa thực hiện lợi ích của nhà nước, của nhân dân địa phương và của chính gia đình. Vì vậy, mặc dù bị giảm bớt một phần thu nhập hàng tháng từ việc cạo mủ cao su và diện tích đất gia đình ông hiến tương đương giá trị hơn 2 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại, nhưng gia đình ông Thế vẫn vui vẻ chấp nhận.

Nguoi dan hien hang ngan met vuong dat lam duong giao thong o Binh Phuoc hinh anh 2 Người dân tự nguyện chặt hạ cây trồng, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước làm đường. Ảnh: TTXVN phát

Ông Phùng Viết Thế chia sẻ: “Việc hiến đất làm đường không những giúp người dân phường Tân Bình nhanh chóng có một con đường khang trang, thuận lợi, mà còn giúp nâng cao giá trị đất của người dân. Bên cạnh đó, người dân đều đồng thuận hiến đất, sẽ giúp chính quyền thành phố Đồng Xoài bớt đi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, sẽ tích lũy được một số vốn để từ đó sẽ triển khai được nhiều tuyến đường khác, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của toàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh Bình Phước nói chung.

Theo ông Lê Thanh Hoàn, Chủ tịch UBND phường Tiến Thành, việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến cây và các công trình trên đất để xây dựng đường có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ phường tới khu phố.

"Chúng tôi nêu lên những cái lợi bà con được hưởng khi hiến đất, làm đường theo quy hoạch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các thủ tục về mặt pháp lý trong đó có thủ tục về chỉnh lý sổ đỏ để nâng giá trị đất cho bà con đã hiến”.

Nguoi dan hien hang ngan met vuong dat lam duong giao thong o Binh Phuoc hinh anh 3Sự đồng thuận của người dân khi hiến đất làm đường quy hoạch. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Lê Thanh Hoàn, từ kinh nghiệm thực tiễn, tròn 5 năm qua, nhân dân trên địa bàn phường Tiến Thành đã hiến trên 10 héc ta đất, tương đương giá trị hàng trăm tỷ đồng, để thực hiện các tuyến đường quy hoạch.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Đồng Xoài thông tin: Tuyến đường 34 (còn có tên gọi là tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông) kết nối từ đường Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước xuống tới đường ĐH.507 có chiều dài 5.6km. Đoạn qua xã Tiến Hưng là 3,2km, qua phường Tiến Thành là 2,4km với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, hầu hết người dân bị ảnh hưởng trên tuyến đường này đã đồng thuận hiến đất để mở đường giao thông kết nối, phát triển kinh tế khi nhìn nhận được những lợi ích họ được hưởng. Nhà nước sẽ có những chính sách để hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và người dân trên tinh thần bảo đảm đúng theo các quy định pháp luật hiện hành.

Đậu Tất Thành

Tin liên quan

Lan tỏa phong trào "việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến"

Với phương châm "dân vận khéo, việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến", chính quyền thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường. Nhờ sự đồng thuận của người dân, nhiều tuyến đường ở thành phố được mở rộng, đem lại diện mạo thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp.


Hiệu quả từ nghị quyết hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định "Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", tiếp nối thành công đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đang tiếp tục phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025.


Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tùng hiến đất phát triển giao thông nông thôn ở vùng Đồng Tháp Mười

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng sôi nổi với những việc làm thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 131 xã, chiếm 91,6% tổng số xã được công nhận đạt chuẩn, ra mắt xã nông thôn mới; 26 xã, chiếm 18,2% số xã đạt chuẩn, ra mắt xã nông thôn mới nâng cao; 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 3 thành phố, thị xã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.



Đề xuất