Người dân Điện Biên nô nức xuống phố mừng Tết Độc lập

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tết Độc lập năm nay, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên từ khắp các bản làng vùng cao đã nô nức xuống phố tham quan các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ và tham gia các trò chơi dân tộc.

Ngay từ sáng sớm, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp xuyên suốt chiều dài thành phố Điện Biên Phủ, những nhóm người trong bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu cùng nhau xuống phố. Những khu vực tập trung đông nhất là các điểm như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… Đặc biệt là các chàng trai, cô gái Mông từ các bản làng vùng cao khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, rực rỡ nhất để xuống phố. Hành trang xuống phố của các chàng trai, cô gái Mông có thể là những chiếc khèn, quả pao bởi với họ, ngày Tết Độc lập là cơ hội để gặp gỡ nhau, làm quen.

Nguoi dan Dien Bien no nuc xuong pho mung Tet Doc lap hinh anh 1Trò chơi giã bánh dày của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ từ nhiều năm nay luôn trở thành điểm hẹn để người dân trên địa bàn hội tụ về đây chung vui trong ngày Tết Độc lập. Đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, ngày Tết Độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đến ngày Quốc khánh, họ có thể gác lại những bộn bề lo toan để xúng xính váy hoa cùng nhau xuống phố tận hưởng niềm vui của đất nước. Đối với họ, đôi khi vượt hàng chục km xuống phố chỉ để chụp một tấm ảnh, ăn que kem, ngắm nhìn mọi người ném pa pao, thổi khèn đã là một ngày vui trọn vẹn.

Anh Vừ A Nông, người dân xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ) cho biết, từ sáng sớm anh cùng gia đình xuống phố để mừng Tết Độc lập. Ngoài leo lên khu vực Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ để ngắm nhìn thành phố, tham quan Bảo tàng, anh còn tham gia trò chơi giã bánh dày và ném pa pao. Anh cảm thấy vô cùng tự hào và vui sướng khi năm nay được xuống phố mừng Tết Độc Lập.

Nguoi dan Dien Bien no nuc xuong pho mung Tet Doc lap hinh anh 2Trò chơi tung còn truyền thống của dân tộc Thái. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Còn chị Lò Thị Thơm, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) cũng không giấu niềm phấn khởi khi ngày Quốc khánh được cùng các chị em trong bản về thành phố Điện Biên Phủ để vui chơi, tham quan các điểm di tích và tham gia trò chơi tung còn truyền thống của người dân tộc Thái, cùng hòa chung niềm vui với đồng bào các dân tộc trong ngày Quốc khánh.

Để tạo sân chơi cho bà con, sáng 2/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ người dân. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tổ chức nhiều trò chơi truyền thống các dân tộc, như ném pa pao, giã bánh dày, tung còn, kéo co,… thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Nguoi dan Dien Bien no nuc xuong pho mung Tet Doc lap hinh anh 3Chương trình văn nghệ chào mừng Quốc khánh. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Dịp lễ mồng 2/9 năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị và tổ chức chu đáo các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ tại thành phố Điện Biên Phủ; phối hợp với các địa phương tổ chức các ngày hội ở một số huyện, thị xã, thành phố. Thông qua các hoạt động này để bảo tồn giá trị truyền thống, gắn chặt thêm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc, giúp người dân ôn lại lịch sử hào hùng của đất nước, cùng nhau cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ngoài các hoạt động trên, trong ngày 2/9, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã mở cửa miễn phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho bà con nhân dân trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tìm hiểu nét văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc.

Xuân Tư

Tin liên quan

77 năm Quốc khánh: Tết Độc lập trên Cao nguyên Mộc Châu

Sáng 1/9, trong không khí vui mừng, phấn khởi của cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc 2022.


77 năm Quốc khánh: Xã biên giới Ea Bung “chuyển mình” mạnh mẽ

Từ một vùng đất khô cằn với nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế, ngày nay xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã “chuyển mình” mạnh mẽ và trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng từ đó, bộ mặt nông thôn vùng biên được thay đổi, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân được nâng cao. Đây không chỉ là thành tích của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Ea Bung mà còn là thành quả của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong những năm qua.


77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn

Là tỉnh miền núi biên giới, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xác định những nhiệm vụ quan trọng, đột phá, sáng tạo để tạo chuyển biến rõ nét, huy động tối đa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tỉnh Lạng Sơn từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động thông thương xuất nhập khẩu qua địa bàn. Vùng đất phên dậu biên cương này đang “thay da đổi thịt” từng ngày.


77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa (Bắc Giang) gắn với phát triển du lịch

Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang gồm 8 địa điểm nằm trên địa bàn các xã Hoàng Vân, Hòa Sơn, Xuân Cẩm, Hoàng An, là nơi gắn với những nhân vật lịch sử quan trọng và các sự kiện tiêu biểu, đánh dấu bước chuyển trong quá trình chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Với những giá trị đặc biệt, thời gian qua, Bắc Giang đã huy động các nguồn lực thực hiện tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích nhằm phát huy giá trị và giáo dục truyền thống cho các thế hệ.



Đề xuất