Người dân Chư Pưh gồng mình chống hạn cho cây tiêu

Người dân Chư Pưh gồng mình chống hạn cho cây tiêu
Bà Nguyễn Thị Chín, thôn Phú Vinh, xã Ia Blứh đang cố gắng chăm sóc vườn tiêu đang chuẩn bị khô cháy của mình. Ảnh: Ngọc Thu
Bà Nguyễn Thị Chín, thôn Phú Vinh, xã Ia Blứh đang cố gắng chăm sóc vườn tiêu đang chuẩn bị khô cháy của mình. Ảnh: Ngọc Thu


Nắng nóng kéo dài làm cho mực nước ở các hồ, sông, suối trên địa bàn bị cạn kiệt, không đảm bảo nguồn nước tưới. Nhiều hộ trồng tiêu ở xã Ia Blứh đang bất lực nhìn vườn tiêu của mình trước nguy cơ bị chết cháy. Các hộ trồng tiêu ở đây đang vô cùng lo lắng và tìm mọi cách để chống hạn cho cây tiêu. Nhiều hộ dân đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đào thêm giếng để mong có đủ nước tưới cho cây, nhưng tình trạng này cũng không được cải thiện khi các giếng đào lên lần lượt bị khô cạn, thậm chí không có nước. Cứ 10 giếng được đào hoặc khoan lên thì có đến 6 giếng không có nước. Người dân ở đây chỉ còn biết hỗ trợ lẫn nhau bằng cách san sẻ nguồn nước tưới, vườn nào giếng có nước thì chia sẻ với những vườn giếng không có nước nhằm tiếp tục duy trì sự sống cho cây tiêu, được ngày nào hay ngày đó. Ông Đặng Thanh Long (thôn Phú Vinh, xã Ia Blứh) nói trong lo lắng: “Trong năm 2015 thời tiết khắc nghiệt do đó mùa tiêu của người dân xã Ia Blứh mất mùa đến 90%, nguyên nhân là do hạn hán kéo dài. Trong thời gian này, người dân chúng tôi gặp khó khăn về nước tưới, giếng đào không có nước. Tổng chi phí cho 1 giếng đào từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng nhưng không biết tưới được trong bao lâu”.
 

Ông Đặng Thanh Long, thôn Phú Vinh, xã Ia Blứh đang tận dụng những giọt nước hiếm hoi để tưới cho vườn tiêu của mình. Ảnh: Ngọc Thu
Ông Đặng Thanh Long, thôn Phú Vinh, xã Ia Blứh đang tận dụng những giọt nước hiếm hoi để tưới cho vườn tiêu của mình. Ảnh: Ngọc Thu

Cũng với nỗi lo lắng như vậy, bà Nguyễn Thị Chín (thôn Phú Vinh, xã Ia Blứh) đang trong tình cảnh “đứng ngồi không yên” với vườn tiêu hơn 1 ha của mình: “Vườn tiêu nhà tôi năm nay thiếu nước tưới nên cây tiêu chết rất nhiều, giờ phải đào, khoan giếng thêm để có nước tưới cho cây tiêu phát triển. Năm nay hạn hán, nước không có tưới nên tiêu chết nhiều hơn so với mọi năm. Hiện tại gia đình tôi phải dùng nhờ nước giếng ở xung quanh xóm đây để chống cháy cho tiêu, được ngày nào hay ngày ấy”.

Theo thống kê, toàn huyện Chư Pưh có trên 2.700 ha tiêu. Đợt nắng nóng kéo dài như thế này khiến diện tích nhiều vườn tiêu không kết trái lên đến 80%, diện tích tiêu chết cháy chiếm 10%. Nghiệm trọng hơn là lứa tiêu mới trồng được từ 3 đến 5 năm, dù đã tìm đủ mọi cách để cứu chữa nhưng rất khó để tiêu xanh trở lại.

Dự báo, trong vụ Đông Xuân sắp đến hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, thiếu hụt nước nghiêm trọng như mùa khô năm 1997-1998, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Thực tế, mùa mưa năm nay kết thúc sớm và lượng mưa ít hơn từ 20% đến 30% so với mọi năm trong khi nền nhiệt trung bình tăng cao.
 
Cứ 10 giếng được đào hoặc khoan lên thì có đến 6 giếng không có nước.Ảnh: Ngọc Thu
Cứ 10 giếng được đào hoặc khoan lên thì có đến 6 giếng không có nước.Ảnh: Ngọc Thu

Trước tình trạng này, chính quyền địa phương ngoài tuyên truyền người dân thực hiện tưới tiết kiệm nước, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để chống hạn cho cây tiêu như tưới nhỏ giọt, thực hiện các đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai… Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: “Trên địa bàn huyện Chư Pưh thì Phòng Nông nghiệp và PTNT đã triển khai hướng dẫn cho nông dân áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm cho cây hồ tiêu, đặc biệt là tăng cường tủ gốc sau khi dứt mưa để đảm bảo duy trì độ ẩm trong đất và áp dụng các biện pháp xới, xáo… để giảm việc bốc hơi nước và giảm lãng phí nước tưới. Đồng thời khuyến cáo người dân mở rộng diện tích các hồ chứa  và nạo vét giếng ngay từ đầu vụ để chuẩn bị sẵn sàng các nguồn nước tưới, áp dụng lịch tưới theo độ ẩm tối thiểu đảm bảo tưới đúng chu kỳ để giảm lượng nước tưới…”.

Từ nhiều năm nay, cây tiêu là nguồn thu nhập chính của người dân xã Ia Blứh nói riêng và huyện Chư Pưh nói chung, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thế nhưng, ở thời điểm này, nếu nắng nóng cứ tiếp tục kéo dài thì những vườn tiêu “khát nước” đang đứng trước nguy cơ khô cháy vì thiếu nước tưới, người nông dân đang đối mặt với một mùa vụ trắng tay. Thậm chí nếu nghiêm trọng hơn thì họ phải đầu tư lại từ đầu và hệ lụy này có thể kéo dài trong nhiều năm tới thì những vườn tiêu đang khô cháy mới có thể khôi phục trở lại. Vì vậy, chính quyền địa phương hỗ trợ cùng người dân tích cực triển khai những giải pháp chống hạn cho cây tiêu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.
Báo Gia Lai điện tử

Có thể bạn quan tâm