Người dân bản Sa Lắng chưa có đất tái định cư

Người dân bản Sa Lắng chưa có đất tái định cư
Khu đất xây dựng bản tái định cư Sa Lắng vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Khu đất xây dựng bản tái định cư Sa Lắng vẫn là bãi đất trống.
Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Sa Lắng là bản nằm ven bờ sông Mã và nằm trong diện di dời để nhường đất cho dự án thủy điện Hồi Xuân. Năm 2012, Ban giải phóng mặt bằng huyện Quan Hóa, chủ đầu tư đã lên kế hoạch giải phóng mặt bằng nhằm xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ dân bản Sa Lắng.

Năm 2014, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (thuộc Tổng Công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam, Bộ Công Thương) đã chuyển nhượng dự án thủy điện Hồi Xuân sang Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại và sản xuất xây dựng Đông Mê Kông, đây là đơn vị giữ gần 90% cổ phần để tiếp tục đầu tư, thi công dự án.
Nhà của gia đình ông Hà Văn Duất, bản Sa Lắng bị xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Nhà của gia đình ông Hà Văn Duất, bản Sa Lắng bị xuống cấp.
Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bản Sa Lắng. Đến nay, 4 năm trôi qua, công trình này đang bị chậm tiến độ, 53 hộ dân bản Sa Lắng vẫn chưa có đất làm nhà mới, nhiều gia đình đã tiêu hết tiền đền bù, nếu giờ có đất tái định cư cũng không có tiền làm nhà.

Sạt lở ven bờ sông Chu qua xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
 
Sạt lở ven bờ sông Chu qua xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN
Sạt lở ven bờ sông Chu qua xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Chị Cao Thị Sự, bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, cho biết gia đình chị nhận tiền đền bù của dự án thủy điện Hồi Xuân được 120 triệu đồng. Sau khi nhận tiền đền bù, chị cứ nghĩ cùng lắm 1 năm sau sẽ được đến nơi ở mới, nhưng dự án thi công chậm, mặt bằng khu tái định cư vẫn chưa xong. Gia đình chị hiện phải sống tạm bợ, đi cũng không được, ở cũng không xong do đất đai, ruộng vườn không còn để canh tác, tiền đền bù đã sử dụng hết, nếu có đất tái định cư thì cũng không biết lấy đâu ra tiền để làm nhà.

Theo ông Hà Hồng Quản, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, dự án thủy điện Hồi Xuân thi công quá chậm tiến độ. Nhiều hộ dân nhận tiền đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có đất tái định cư để làm nhà mới, một số gia đình do kinh tế khó khăn nên đã tiêu hết tiền, giờ nếu có đất cũng không có tiền làm nhà. Hiện xã mong muốn các cấp chính quyền, chủ đầu tư sớm giao đất cho nhân dân làm nhà mới, một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù sẽ được nhận với mức giá hợp lý. Đặc biệt, bản Sa Lắng được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tiền chính sách là 60 triệu đồng/hộ sẽ được nhận sớm để chuyển cho nhân dân có tiền làm nhà.

Dự án xây xựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Dự án xây xựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ.
Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Khi phóng viên làm việc với ông Thái Văn Chấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, ông Chấn cho biết, dự án xây dựng khu tái định cư cho 53 hộ dân bản Sa Lắng chậm tiến độ do các hộ dân bàn giao đất chậm. Việc vận chuyển vật liệu qua sông Mã rất khó khăn khi không sử dụng được xe máy, xe tải, mà phải đi đò qua sông. Mùa lũ năm ngoái mất 4 tháng không qua lại được sông, làm cho việc thi công chậm tiến độ. Bên cạnh đó, mặt bằng khu tái định cư 2/3 diện tích là đá nên phải thực hiện nổ mìn, phá đá gần khu dân cư bản cũ đang ở.

Cũng theo ông Chấn, tổng số vốn đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư là gần 2,7 tỷ đồng. Đối với việc đền bù giải phóng mặt bằng, phía Công ty đã trả tiền bồi thường cho nhân dân, tổng số tiền hỗ trợ từ tháng 3/2016 đến hết tháng 2/2018 là hơn 255 triệu đồng, phía Công ty không biết người dân sử dụng tiền vào mục đích gì, cũng có những hộ dùng tiền không đúng mục đích, hoặc chi tiêu hết.

Hiện đơn vị thi công đang kiến nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện, chính quyền xã kiểm tra từng hộ để có cơ sở khắc phục. Công ty cũng phấn đấu trong 2 tháng tới sẽ hoàn thành dự án xây dựng khu tái định cư, bàn giao mặt bằng cho dân trước ngày 30/6.

Dự án xây xựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân thi công chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Dự án xây xựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân thi công chậm tiến độ.
Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, dự án thủy diện Hồi Xuân được Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép triển khai từ lâu, tuy nhiên do chủ đầu tư yếu năng lực nên đến năm 2016 mới tiếp tục đầu tư trở lại.

Năm 2014, huyện bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO xây dựng khu tái định cư bản Sa Lắng, tuy nhiên tiến độ thi công chậm, đến thời điểm hiện tại mới san được mặt nền. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, giao thông, đường điện, nước sinh hoạt cho nhân dân chưa được thi công.

Bên cạnh đó, mặt bằng khu tái định cư vẫn chưa đảm bảo an toàn, taluy dương xử lý chưa đảm bảo, taluy âm phần đất mượn dọc sông Mã chưa được kè. Huyện Quan Hóa đã đề nghị Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO khẩn trương hoàn chỉnh các điều kiện cần thiết để huyện nghiệm thu, nhận bàn giao đất cho người dân.
Dự án xây xựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân thi công chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Dự án xây xựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân thi công chậm tiến độ.
Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Trước tình hình dự án xây dựng khu tái định cư cho 53 hộ dân bản Sa Lắng chậm tiến độ, ngày 5/4, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra tình hình bố trí tái định cư Bản Sa Lắng. Kết quả kiểm tra cho thấy chủ đầu tư chưa thực hiện đúng theo cam kết, cơ sở hạ tầng, giao thông, đường điện sáng, nước sạch chưa có. Ông Tuấn cũng yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành các hạng mục trước ngày 15/5 để sớm cấp đất cho người dân ổn định cuộc sống.

Không chỉ chưa hoàn thành khu đất tái định cư cho nhân dân, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Hồi Xuân còn chưa nộp thuế vãng lai. Tính đến tháng 2/2018, doanh thu và khối lượng đã hoàn thành của dự án là 329 tỷ đồng, do đó chủ đầu tư phải nộp 2% thuế vãng lai ngoại tỉnh với số tiền là hơn 6,5 tỷ đồng.

Được biết, dự án thủy điện Hồi Xuân được triển khai với tổng số tiền đầu tư ban đầu khoảng 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW, sản lượng điện trung bình sẽ đạt 432,61 triệu KWh/năm. Dự kiến tháng 8/2018, Công trình thủy điện Hồi Xuân sẽ chính thức tích nước để vận hành nhà máy.
Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm