Người cổ đại tái chế các công cụ cách đây 500.000 năm

Người cổ đại tái chế các công cụ cách đây 500.000 năm
Nghiên cứu dựa trên phân tích của các chuyên gia về 283 viên đá lửa nhỏ được tìm thấy tại khu vực Revadim, miền Trung Israel, có niên đại khoảng 300.000 và 500.000 trước. Khu vực nghiên cứu được cho là nơi tồn tại của loài người cổ đại Homo erectus và nền văn hóa của thời kỳ đồ đá Acheulian. Nền văn hóa này phổ biến tại các khu vực châu Phi, châu Âu và châu Á khi đó với đặc trưng sản xuất nhiều công cụ bằng đá lớn, chủ yếu được dùng để giết mổ động vật lớn. Do người cổ đại chủ yếu nhờ vào thịt và đặc biệt là mỡ của động vật để tồn tại và phát triển, nên hoạt động giết mổ và lấy mọi nguồn năng lượng có thể từ những gia súc lớn này đóng vai trò quan trọng đối với họ.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tiến hành quan sát bằng kính hiển vi những vật dụng cũng như chất vô cơ và hữu cơ còn sót lại trên đó. Qua phân tích, các chuyên gia phát hiện những mẫu đá lửa không chỉ là “rác thải công nghiệp” từ quá trình sản xuất những công cụ lớn hơn. Đây còn là sản phẩm của những đồ tạo tác bỏ đi và được tái chế nhằm sử dụng cho mục đích khác. Trong đó, khoảng 107 viên đá lửa nhỏ cho thấy có dấu hiệu chế biến thịt gia súc. 11 viên đá lửa cũng thể hiện những chất hữu cơ và vô cơ còn sót lại, chủ yếu là xương và tế bào mềm. Các cuộc thí nghiệm được tiến hành cũng cho thấy những viên đá lửa dài 3 cm có lẽ được dùng vào những hoạt động tinh vi, song song với những công cụ giết mổ lớn hơn.

Nghiên cứu trên cho thấy quan điểm không lãng phí mọi thứ phản ánh một nền văn hóa tinh tế và sớm có nhận thức bảo vệ môi trường. Các nhà nghiên cứu kết luận nhận thức về môi trường sinh thái giúp người cổ đại phát triển qua hàng nghìn năm.
Nguyễn Hằng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm