Người béo phì tăng khả năng chống chọi với một số bệnh ung thư

Người béo phì tăng khả năng chống chọi với một số bệnh ung thư
Nghiên cứu trên cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) trên mức trung bình hoặc cao có thể giúp tăng khả năng đáp ứng của cơ thể đối với atezolizumab, một liệu pháp điều trị miễn dịch phổ biến đối với bệnh ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC). Cụ thể, bệnh nhân có chỉ số BMI cao trong 4 đợt xét nghiệm có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong khi được điều trị bằng atezolizumab so với người có trọng lượng trung bình.

Trưởng nhóm nghiên cứu trên, ông Ganessan Kichenadasse cho biết: "Đây là một phát hiện đáng quan tâm và mở ra tiềm năng nghiên cứu sâu hơn với các bệnh ung thư khác và các loại thuốc chữa ung thư khác". Theo ông, các nghiên cứu trước đây thường khai thác khái niệm gọi là "nghịch lý béo phì", theo đó bệnh béo phì gắn liền với nguy cơ khiến một số bệnh ung thư phát triển nhanh hơn, nhưng lại có thể bảo vệ và thậm chí đem lại nhiều lợi ích lớn hơn ở một số bệnh nhân. Ông khẳng định: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp các bằng chứng mới để củng cố giả định rằng chỉ số BMI cao và béo phì có thể liên quan đến khả năng phản ứng của cơ thể với thuốc điều trị miễn dịch".

Theo các số liệu do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố hồi tháng 6 vừa qua, 2/3 người trưởng thành ở quốc đảo này, tương đương 12,5 triệu người, mắc bệnh béo phì trong thời gian 2017-2018. Cơ quan trên cũng phát hiện rằng 1/4 trẻ em từ 5-17 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì.

Bất chấp kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu của Đại học Flinders nhấn mạnh cần một cách sống lành mạnh để duy trì cân nặng ở mức bình thường vì chỉ số BMI cao có thể dẫn tới các bệnh khác về sức khỏe.
Bích Liên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm