Người bệnh tử vong do COVID-19 thường ở nhóm nguy cơ cao

Người bệnh tử vong do  COVID-19 thường ở nhóm nguy cơ cao

Theo thống kê của Bộ Y tế từ ngày 15/4 đến 16/5, nước ta ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19. Sau khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong thời gian qua, các chuyên gia y tế nhận định, tất cả ca tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện một trường hợp nào người bệnh tử vong không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.

Người bệnh tử vong do  COVID-19 thường ở nhóm nguy cơ cao ảnh 1Các bệnh nhân nặng đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Làm gì để giảm tử vong do COVID-19?

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ước tính tỷ lệ tử vong hiện nay chiếm 0,47% số bệnh nhân nằm viện. Các bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện đều có bệnh nền, có triệu chứng nặng. Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều hầu hết được điều trị tại nhà hoặc được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ở mức 0,37%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới (0,99%). Đây là con số thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác điều trị COVID-19 suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.

Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, để giảm tử vong, các cơ sở y tế cần tiếp tục cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh. Các đơn vị hồi sức, chạy thận, có những bệnh nhân nặng đang điều trị phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca COVID-19, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi nếu xảy ra lây nhiễm, thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng;

Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao. Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh quá tải, các tỉnh, địa phương buộc phải giữ bệnh nhân lại điều trị.

Cùng với tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan COVID-19 trong bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh cần nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh. Khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định; đặc biệt chú trọng bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao. Người đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19 phải được xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.

Cơ sở y tế theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gen để phát hiện sớm những biến thể mới của virus. Các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gen, phát hiện sớm những biến thể. Đặc biệt, các cơ sở y tế lưu ý những trường hợp không có bệnh nền mắc COVID-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng làm tăng tình trạng nặng.

Sẵn sàng tình huống dịch bệnh bùng phát

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, mặc dù hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác (trong đó có sốt xuất huyết tỷ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%). Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và phải luôn sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.

“Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng, chúng ta cũng phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống dịch bệnh bùng phát”, Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặc dù COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.

“Trong tình hình COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây, người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: Người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt, những người nguy cơ cao mắc COVID-19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế”, bà Hồng khuyến cáo.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm