Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản

Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản trên biển là sinh kế của hàng nghìn ngư dân trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long của tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động nuôi trồng đã cho họ nguồn thu để duy trì, phát triển cuộc sống. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, ngư dân cảm nhận sự “mặn chát” hơn từ biển.

Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 1Hiện thị xã Quảng Yên còn tương đối diện tích hàu cửa sông còn bé, chưa đến ngày thu, nếu kéo ra khu vực nước biển có nồng độ mặn cao hàu dễ chết hoặc phát triển kém. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

 “Nặng nợ” với lồng bè

Anh Đặng Văn Minh, ở thôn 5, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, gắn bó với nghề nuôi hàu, hà cửa sông gần 10 năm nay, nghề nuôi biển đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn, tạo động lực để gia đình anh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, 2 năm nay việc mưu sinh khó khăn hơn gấp bội.

Anh Minh chia sẻ, gia đình anh nuôi 10 cặp bè hàu, hà cửa sông. Đây là giống nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao hơn, chất lượng hơn so với nuôi hàu đại dương. Tuy nhiên sự khác biệt của giống nuôi này là phải thay đổi môi trường nuôi có độ mặn phù hợp để duy trì sự sống và phát triển cho con giống.

Do vậy, vào mùa khô, độ mặn nước biển cao hơn, anh Minh và nhiều hộ nuôi phải kéo các bè nuôi về khu vực cửa sông, đến mùa mưa, nước nổi sẽ kéo bè về lại biển, chi phí cho một lần kéo 10 bè khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, giá hàu, hà đang bán ở mức 8.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 1 nửa so với năm trước, cộng thêm thị trường tiêu thụ chậm, nên rất khó khăn về tài chính.

Cùng với việc di dời lồng, bè, thị xã Quảng Yên đã tuyên truyền đến anh Minh và các ngư dân phải thay thế phao xốp sang phao nhựa HDPE hợp chuẩn, anh Minh tính toán với 10 cặp bè hiện tại, anh sẽ phải chi phí khoảng hơn 700 triệu đồng để mua phao, như vậy rất khó khăn, bởi họ chưa kịp thoát ra cái khó từ dịch COVID-19 thì lại mắc kẹt ở phao nhựa. Anh Minh có nguyện vọng được chính quyền tạo điều kiện để ngư dân vừa thu hoạch vừa thay thế, chứ không thể cùng một lúc thay đồng loạt.

Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 2Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) lập 2 chốt kiểm tra, kiểm soát và quản lý các trường hợp neo thả lồng, bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Liên Hòa và Hoàng Tân. Ảnh: Thanh Vân- TTXVN  

Cũng như anh Minh, nhiều hộ nuôi biển ở Quảng Yên đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn, vì hiện tại, mực nước sông và biển xuống thấp, việc di dời các bè nuôi từ cửa sông ra biển thường bị mắc cạn, nguy cơ con hàu, hà gặp nước biển nồng độ mặn cao sẽ bị chết, thiệt hại rất lớn đến người dân, mặt khác nếu giống nuôi này chết còn ảnh hưởng đến môi trường.

Nhiều ngư dân trăn trở, chưa bao giờ mưu sinh từ nghề nuôi biển lại nhọc nhằn đến thế, trong cái mặn mòi của nước biển, hòa lẫn với những giọt mồ hôi, còn có vị chát của nước mắt.

Anh Phạm Văn Nhung (50 tuổi), sống tại tổ 59, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, là một trong những hộ chấp hành di dời các lồng bè nuôi trồng trái phép tại khu vực Hòn Đũa, trên vịnh Hạ Long. Anh Nhung chia sẻ gia đình đầu tư hơn 300 triệu, nuôi trên 20 dây hàu từ đầu năm 2022, đến đầu tháng 4/2023 thu hoạch vụ thứ 2 được khoảng 4 tấn, bán với giá 2.800 đồng/kg; trong đó chi phí thu hoạch chiếm 1.200 đồng/kg. Gia đình anh còn khoảng gần 4 tấn hàu bé, khoảng 2 tháng nữa mới đủ tuổi thu hoạch, nhưng đành phải bỏ không thu và kéo vào bờ, mặc dù xót xa, cắt đến đâu, khóc đến đấy nhưng phải chấp nhận.

Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 3Các lực lượng chức năng của thị xã Quảng Yên tháo dỡ lồng bè cùng ngư dân. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Anh Nhung cho biết, nếu bỏ ra 10 phần để đầu tư thì lúc thu chỉ vớt vát lại được vài phần. Hiện tại gia đình mong muốn khi có vùng nuôi được quy hoạch thì sẽ được di chuyển vào đó và tiếp tục vay vốn ngân hàng tái nuôi trồng, không để lãng phí ngư cụ đã đầu tư, gây lãng phí và thiệt hại kinh tế.

Làm gì để gỡ khó?

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có một số địa phương chưa có quy hoạch vùng nuôi trồng mặt nước; trong đó, có thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long. Với Quảng Yên chủ yếu là nuôi hàu cửa sông, còn thành phố Hạ Long có diện tích mặt biển nằm trong vùng di sản vịnh Hạ Long, do vậy người dân chủ yếu là nuôi trồng tự phát, diện tích mặt nước được giao chưa nhiều.

Để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hàu, hà, giảm bớt thiệt hại thị xã Quảng Yên giao cho Ban Chỉ huy quân sự, cùng các phòng kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 4Một bè lớn ở Quảng Yên có khoảng 60-80 bè nhỏ, trọng lượng khoảng 40-50 tấn, cần thay thế bằng phao nhựa cỡ lớn mới chịu được tải. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch thị xã Quảng Yên, địa phương này tập trung thu gom bè hỏng trôi nổi và các bè nuôi lán chiếm luồng lạch bằng cách kéo các lồng, bè vào bờ. Sau đó, cho máy cẩu múc lên khu vực tập kết, không thực hiện cắt dây hàu, hà trên biển vì sẽ dẫn đến việc phao xốp, rác trôi nổi gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Đối với rác được thu gom là tre có thể để nhân dân tái chế, đối với phao xốp sẽ có phương án xử lý để không gây hại tới môi trường. Do vậy, địa phương này đề xuất với cấp có thẩm quyền của tỉnh lùi thời gian dời lồng bè ra điểm quy hoạch tập trung vào cuối tháng 5/2023, trong khi hạn của tỉnh là cuối tháng 4/2023.

Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 5 Đối với các bè nuôi thủy sản hiện nay đang được thị xã Quảng Yên cắm biển, sau này sẽ tích hợp vị trí vào định vị toàn cầu (GPS) để tiện quản lý. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Đối với việc thay thế phao nhựa HDPE đạt chuẩn hiện nay tại thị xã Quảng Yên mới đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân là chưa có đơn vị cung ứng được sản phẩm đạt chuẩn và phù hợp với hiện trạng nuôi hàu, hà trên địa bàn.

Ghi nhận thực tế, một bè lớn ở Quảng Yên có khoảng 60-80 bè nhỏ, trọng lượng khoảng 40-50 tấn; cần thay thế bằng phao nhựa cỡ lớn, những phao nhựa loại nhỏ sẽ không chịu được lực; đưa vào sử dụng không đảm bảo, dễ gây lãng phí, tốn kém.

Hiện địa phương này đang vận động ngư dân nuôi bè nhỏ thì sử dụng phao nhựa loại nhỏ, còn đối với các bè lớn thì cần phải đợi có sản phẩm thay thế phù hợp được công bố hợp chuẩn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Quảng Ninh có khoảng gần 1.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép (thuộc khoảng 550 cơ sở). Đến trung tuần tháng 4/2023 đã di dời được trên 688 ha (314 cơ sở) chiếm hơn 71 % tổng diện tích phải di dời.

Toàn tỉnh có gần 3,9 triệu quả phao xốp, đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là hơn 2, 28 triệu quả phao xốp, đạt tỷ lệ 58,7%; số phao xốp còn lại hơn 1,6 triệu.

Việc tăng cường quản lý và phát triển thủy sản trên biển của tỉnh Quảng Ninh là cần thiết và phù hợp, song bên cạnh đó cũng cần có sự linh hoạt để ngư dân không bị “chết đuối”, bởi đây là chiến dịch dài hơi, hướng đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi trồng thủy sản.

Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm