Ngư dân bám biển phát triển kinh tế

Ngư dân bám biển phát triển kinh tế
* Bám biển vươn khơi 

Sinh năm 1977, tuy gia đình không có ai theo nghề ra khơi đánh bắt nhưng với tình yêu biển quê hương, anh Thắng quyết tâm bám biển phát triển kinh tế. Hơn 20 tuổi anh Thắng đã mạnh dạn xin theo các thuyền viên ra khơi đánh bắt. Tuổi trẻ cộng thêm sự say mê, yêu nghề nên chỉ vài năm đi biển, anh Thắng đã thừa hưởng nhiều kinh nghiệm trong nghề đi biển của các thuyền viên đi trước đúc kết truyền dạy. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2012, với số vốn dành dụm được, anh Thắng đầu tư 100 triệu đồng mua tàu cá. Sau gần 20 năm "làm bạn" với biển, anh Thắng có nhiều kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, biết được những ngư trường trên biển theo mỗi mùa khai thác. Và nhờ kinh nghiệm, anh cũng trở nên "già dặn" hơn, bình tĩnh trong ứng xử với những bất trắc, rủi ro trên biển. Vì thế, nhiều ngư dân địa phương tìm đến anh để học hỏi kinh nghiệm trong những chuyến vươn khơi. 

Anh Thắng cho biết, nghề đi biển rất vất vả và cần nhiều kinh nghiệm. Trước đây, khi điều kiện còn khó khăn, các máy móc phục vụ công việc còn thô sơ nên người đi biển phải dựa vào kinh nghiệm cha ông để lại và tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân mình. Mỗi tháng nếu điều kiện thời tiết tốt, anh có thể đi 25 chuyến ra khơi. Mỗi năm, thu nhập của anh từ đánh bắt cũng gần 300 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho 20 thuyền viên. 

* Tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo 

Đối với anh Thắng, khi gắn bó với thuyền với biển càng lâu, anh càng thấm, hiểu sâu sắc về chủ quyền vùng biển và dành tình yêu đặc biệt cho những con sóng. Bởi vậy, không chỉ tích cực phát triển kinh tế cho bản thân, anh Thắng còn luôn tuyên truyền, vận động các chủ thuyền, cùng thuyền viên vươn khơi, bám biển, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. 

"Tôi không thể nhớ nổi đã cứu bao nhiêu người, bao nhiêu tàu nhưng ra biển gặp bà con mình khó khăn thì giúp nhau làm ăn, an toàn để về với gia đình là vui rồi", ngư dân Thắng bộc bạch. 

Năm 2014, được vận động thành lập Tổ tàu thuyền an toàn, anh Thắng đã được các ngư dân tin tưởng bầu làm tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn. 

Trên cương vị Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn, anh Thắng đã xây dựng quy chế hoạt động phối hợp giữa các tàu thành viên. Trong quá trình thu bắt thủy sản, các tàu thường xuyên liên lạc, thông báo chia sẻ mọi thông tin về thời tiết, vị trí tàu hoạt động, tình hình trên biển, để cùng nhau phối hợp xử lý khi gặp sự cố. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, anh đã tham mưu với chính quyền địa phương thống nhất bố trí lại nơi neo đậu các loại tàu thuyền; phối hợp với lực lượng biên phòng thường xuyên tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở thuyền viên trong việc neo đậu quản lý trang thiết bị, tránh xảy ra mất mát ngư lưới cụ. Cùng đó, các thành viên nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế biển, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão trên biển. 

Ngoài ra, anh Thắng còn cùng các chủ thuyền giúp đỡ nhau về vốn để nâng cấp tàu, đảm bảo an toàn khi vươn khơi, khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. 

Đại úy Trịnh Văn Thành, Trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Càn, thuộc Đồn Biên phòng Kim Sơn đánh giá, anh Thắng là người có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, đã cùng với các thuyền viên tổ tàu thuyền an toàn thường xuyên, tích cực trong việc tham gia đánh bắt thủy hải sản ngoài biển, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với bộ đội biên phòng tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm