Ngoại trưởng S.Lavrov: Nga sẵn sàng hợp tác với NATO

Ngoại trưởng S.Lavrov: Nga sẵn sàng hợp tác với NATO

Theo phóng viên TTXVN tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ hy vọng rằng NATO sẽ dựa vào những thỏa thuận đã được ghi rõ trong Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997, đồng thời nhận mạnh Moskva sẵn sàng hành động theo hướng đó.

Trong ảnh (tư liệu): Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp tại Duma Quốc gia ở Moskva ngày 15/6. AFP/TTXVN

Trong ảnh (tư liệu): Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp tại Duma Quốc gia ở Moskva ngày 15/6. AFP/TTXVN

Theo ông Lavrov, NATO cần phải chủ động áp dụng các biện pháp nhằm hồi sinh quan hệ hợp tác với Nga, bởi vì Moskva không chủ động cắt đứt hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, không đóng băng các kênh phối hợp hành động hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan để lực lượng này đối phó hiệu quả hơn với Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm cực đoan khác, cũng như các lĩnh vực hợp tác khác với NATO. Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cũng bày tỏ không hài lòng với những bình luận công khai của NATO về những quyết định được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự này vừa diễn ra tại Vácsava (Ba Lan) khi “vẽ ra” hình ảnh "kẻ thù" nhằm kêu gọi các nước thành viên đoàn kết để đối phó.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực sườn phía Đông của khối bắt đầu từ năm 2017 với 4 tiểu đoàn đóng luân phiên tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan có số lượng mỗi đơn vị từ 800-1.200 người. Động thái này càng khiến mối quan hệ giữa Nga và NATO thêm căng thẳng.

Ngoại trưởng Nga đang có mặt ở thủ đô Astana của Kazakhstan để tham dự cuộc họp của nhóm “Bộ năm Caspi”. Phát biểu sau cuộc họp này, Ngoại trưởng Sergei Lavrovcho rằng việc ký kết Công ước về quy chế pháp lý biển Caspi hoàn toàn có thể thực hiện vào đầu năm 2017.

Theo ông Lavrov, cuộc gặp cấp ngoại trưởng “Bộ năm Caspi” lần này rất hữu ích, các bên đã đạt được nhiều tiến triển, dù còn một số vấn đề cần phải thảo luận thêm. Các bên cũng nhất trí cho rằng cần phải nghiên cứu soạn thảo hiệp định trong từng lĩnh vực cụ thể như kinh tế thương mại, vận tải, đặc biệt những hiệp định ngăn ngừa xung đột có sự tham gia của các tàu quân sự tại biển Caspi. 

Hiện giữa các nước trong khu vực chỉ có Hiệp định hợp tác cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp./.

 

Có thể bạn quan tâm