Nghiên cứu một số nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới

Nghiên cứu một số nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới
Quang cảnh buổi giới thiệu kết quả nghiên cứu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Quang cảnh buổi giới thiệu kết quả nghiên cứu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Bác sĩ Trịnh Thị Bích Liên, chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua khảo sát 375 nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 49 đến khám vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, nhóm nghiên cứu nhận thấy nguyên nhân dẫn đến vô sinh nam rất đa dạng. Trong đó, di truyền, đột biến gen, lứa tuổi, thói quen sinh hoạt và đặc điểm nghề nghiệp là những nguyên nhân được "điểm mặt" hàng đầu.

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến vô sinh nam do di truyền, đột biến gen chiếm 34,6% (130/375 trường hợp khảo sát). Bác sĩ Cao Thị Tài Nguyên, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết thêm: Nhóm tuổi 30 - 34 được cảnh báo là nhóm dễ bị vô sinh nam nhất, chiếm 35,5%. Trong đó, vô sinh nguyên phát chiếm 90,6%, còn lại 9,4% là vô sinh thứ phát. Tiền sử bệnh quai bị vốn được xem là nguyên nhân gây nguy cơ cao dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu ở đề tài này lại cho thấy chỉ có 15% người đã từng bị quai bị khiến dẫn tới vô sinh, thấp hơn rất nhiều so với các nguyên nhân khác.

Thói quen sinh hoạt không khoa học, đặc biệt là sử dụng điện thoại di động không đúng cách cũng được các bác sĩ khuyến cáo là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nam giới. Thói quen để điện thoại di động trong túi quần vào ban ngày, cũng như để điện thoại trong giường ngủ vào ban đêm là nguyên nhân khiến chất lượng tinh trùng giảm, dẫn đến vô sinh.

Đối với đặc điểm về nghề nghiệp dẫn đến nguy cơ vô sinh, nông dân chiếm tỷ lệ cao nhất 28,5%, kế đó là cán bộ, viên chức. Đây là phát hiện mới so với các nghiên cứu trước đây cho thấy sự dịch chuyển mới trong nhóm đối tượng nông dân, cần có sự cảnh báo và nghiên cứu sâu hơn trên nhóm đối tượng này.

Quang cảnh buổi giới thiệu kết quả nghiên cứu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Quang cảnh buổi giới thiệu kết quả nghiên cứu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Bác sĩ Trương Quốc Chiến, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Cần Thơ, thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, đặc biệt là những phát hiện mới về nhóm đối tượng dễ mắc vô sinh, độ tuổi, cũng như những tác hại do các thiết bị công nghệ cao ảnh hưởng đến bệnh nhân. Trên cơ sở đó, bác sĩ Trương Quốc Chiến kiến nghị, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguyên nhân và các nhóm đối tượng dễ bị vô sinh nam; từ đó cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tuân thủ thời gian 6 tháng/lần đến các trung tâm y tế để khám tổng quát, tầm soát các loại bệnh, giúp sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đánh giá cao ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng của đề tài. Kết quả nghiên cứu của đề tài cần được chuyển giao và ứng dụng rộng rãi tại các khoa hiếm muộn, bệnh viện phụ sản. Bên cạnh đó, trong quy trình khám chữa bệnh hiếm muộn, cần chỉ định thêm một số quy trình kiểm định, xét nghiệm sàng lọc ban đầu.
Ánh Tuyết

Có thể bạn quan tâm