Nghiên cứu mới về nguy cơ triệu chứng "COVID kéo dài" ở người nhiễm sau tiêm phòng

Nghiên cứu mới về nguy cơ triệu chứng "COVID kéo dài" ở người nhiễm sau tiêm phòng

Các số liệu mới nhất trong một nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy dù những người mắc COVID-19 sau khi tiêm phòng đủ sẽ không mắc bệnh nặng, nhưng vaccine không giúp bảo vệ họ khỏi nguy cơ mắc các triệu chứng "COVID kéo dài", hay còn gọi là "Long COVID".

Nghiên cứu mới về nguy cơ triệu chứng "COVID kéo dài" ở người nhiễm sau tiêm phòng    ảnh 1Du khách xếp hàng xuất trình chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi vào tham quan Đấu trường La Mã ở Rome, Italy ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 6 tháng, các nhà nghiên cứu xem xét 9.479 trường hợp đã tiêm phòng đầy đủ nhưng được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 và so sánh với một số lượng tương tự các bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm phòng. Kết quả cho thấy những ca nhiễm sau tiêm "có ít nguy cơ mắc các triệu chứng nặng" như cần điều trị tích cực hay hỗ trợ thở hoặc xuất hiện cục máu đông ở phổi hoặc chân tay. Tuy nhiên, các triệu chứng "COVID kéo dài" xảy ra với tỷ lệ tương đương nhau giữa những người đã tiêm và chưa tiêm phòng.

Nghiên cứu đã được công bố trên trang medRxiv chuyên về các nghiên cứu y học và đang chờ ý kiến các chuyên gia.

Chuyên gia Maxime Taquet, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết đối với những ca nhiễm sau tiêm trên 60 tuổi, vaccine đã giúp bệnh nhân chỉ mắc các triệu chứng nhẹ, thậm chí hoàn toàn không có triệu chứng. Ông nhấn mạnh: "Vaccine vẫn là cách hữu hiệu để ngăn chặn các triệu chứng COVID-19 (kể cả COVID kéo dài)". Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết thêm rằng "các phát hiện của nghiên cứu cho thấy những người nhiễm sau tiêm vẫn cần cảnh giác với các triệu chứng tiềm ẩn".

* Trong một nghiên cứu khác, đăng trên tập san học thuật JAMA Oncology của Hiệp hội Y khoa Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện rằng số ca khỏi bệnh COVID-19 gia tăng ở các bệnh nhân ung thư ở châu Âu. Nghiên cứu xem xét số liệu của hơn 2.600 bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 được điều trị tại 6 quốc gia từ tháng 2/2020 đến 2/2021 và tính toán tỷ lệ tử vong trong hai tuần đầu sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.

Bác sĩ David James Pinato, tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: "Các nghiên cứu ban đầu về chủ đề này cho thấy tỷ lệ tử vong từ 30-40% ở bệnh nhân ung thư. Nghiên cứu mới nhất cho thấy trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, tỷ lệ này đã giảm dần, ngay cả trước khi việc tiêm vaccine được triển khai". Theo ông Pinato, tỷ lệ này đã giảm xuống tới 12,5% trong làn sóng lây nhiễm thứ hai ở châu Âu.

Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân ung thư được chẩn đoán trong thời gian mới bùng phát dịch COVID-19 cũng có nhiều triệu chứng COVID-19 hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ khỏi bệnh gia tăng không chỉ liên quan đến các loại thuốc điều trị tốt hơn, mà còn nhờ khả năng xét nghiệm tốt hơn cho phép chẩn đoán sớm hơn.

* Theo một nghiên cứu đăng trên Clinical Infectious Diseases, những người đã sử dụng loại thuốc kháng CD20 (anti-CD20) chữa viêm khớp dạng thấp, ung thư, xơ cứng màng tế bào... (vốn ức chế phản ứng miễn dịch) vẫn có hy vọng được bảo vệ trước COVID-19 nếu tiêm vaccine theo công nghệ mRNA của các hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu phản ứng với vaccine mRNA của 37 bệnh nhân đang dùng các loại thuốc nói trên và so sánh với 22 người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Chỉ 70% bệnh nhân có thể sinh kháng thể khi được tiêm vaccine mRNA và mức độ này thấp hơn nhiều ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, cả hai nhóm có số tế bào miễn dịch tương đương nhau, được gọi là tế bào T, có thể nhận diện và tấn công virus.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi gợi mở rằng bệnh nhân dùng thuốc anti-CD20 hoàn toàn có thể sinh tế bào T khi được tiêm vaccine mRNA", dù lượng kháng thể sinh ra không tương đương với người khỏe mạnh.

Chuyên gia Christiane Eberhardt, tại Đại học Geneva ở Thụy Sĩ, cho biết quy mô nghiên cứu trên "không cho phép kết luận chắc chắn về mức độ bảo vệ khỏi các triệu chứng nặng của COVID-19 ở các bệnh nhân đang dùng loại thuốc trên". Ông khuyến cáo các bệnh nhân nói trên "vẫn cần cảnh giác và tự bảo vệ mình khỏi COVID-19".

Bích Liên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm