Nghiên cứu khoa học phải lắng nghe "hơi thở cuộc sống"

Nghiên cứu khoa học phải lắng nghe "hơi thở cuộc sống"
Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị trong hệ thống khoa học và công nghệ bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất). Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quản quản lý, cơ sở nghiên cứu, giáo dục cả nước. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo. Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội 

Theo thông tin công bố tại hội nghị, năm 2016, Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ (không tính kinh phí dành cho an ninh - quốc phòng và dự phòng) đã được Quốc hội phê duyệt là 17.730,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4% ngân sách Nhà nước. 

Trên cơ sở ngân sách được phân bổ, hoạt động khoa học và công nghệ đã phục vụ phát triển mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tiến bộ khoa học và công nghệ đã đóng góp khoảng 30% - 40% vào tăng trưởng nông nghiệp, từ chỗ nhập khẩu 70% giống cây trồng, vật nuôi, hiện nay chỉ còn nhập dưới 30%. 5 năm qua, năng suất lúa liên tục tăng từ 55,4 tạ/ha (năm 2011) lên 57,7 tạ/ha (năm 2015), đưa Việt Nam thành nước có năng suất đứng đầu khu vực.

Thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ, các Viện nghiên cứu, Tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu, vị thế ở thị trường trong nước và thế giới, đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120 m (Tam Đảo 05) - giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam. khoa học và công nghệ góp phần nâng cao năng lực đội ngũ trong thiết kế, giám sát, thi công, xây lắp phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông - xây dựng) ngang tầm khu vực. 

Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã kịp thời giúp các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương giải quyết các vấn đề thiên tai bất thường, sự cố môi trường. Các nghiên cứu liên quan đến đánh giá xâm nhập mặn, suy giảm nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được triển khai; xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn, đánh giá mức độ tổn thương, biến động đường bờ theo các kịch bản biến đổi khí hậu để làm cơ sở khoa học đề xuất việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phân vùng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong các sự cố môi trường nghiêm trọng (môi trường biển miền Trung, môi trường sông, hồ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...), các nhà khoa học đã kịp thời vào cuộc để xác định nguyên nhân. 

Đáng chú ý, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo thống kê từ Topica Founder Institute và Geektime, hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. 

Lãnh đạo các bộ, ngành địa phương đều đánh giá khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế xã hội, nhưng việc triển khai lại chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần có cơ chế về tài chính làm động lực, khuyến khích và thu hút người tài về khoa học và công nghệ. Đào tạo những chuyên gia giỏi về khoa học và công nghệ tập trung vào những lĩnh vực mà kinh tế -xã hội đang cần thay vì dàn trải. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, ngành khoa học và công nghệ nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Nhất là, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tập trung nhiều vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ cho nền kinh tế. 

Nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến khoa học và công nghệ xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới khoa học và công nghệ nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung. Trong chỉ đạo, bước đầu đã coi trọng ứng dụng khoa học và công nghệ, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản… 

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo đạt mức tương đối nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thủ tướng đã chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có thực trạng nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho khoa học và công nghệ cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. 

6 yếu tố đảm bảo phát triển khoa học công nghệ 

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển khoa học và công nghệ thành công phải có 6 yếu tố là: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho khoa học và công nghệ. 

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. 

Khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc, Thủ tướng đặt vấn đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, nhất là con người và thể chế. 

“Tinh thần chung là giải phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của khoa học và công nghệ thì chính Bộ Khoa học và Công nghệ phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ”, Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu. 

Yêu cầu tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về khoa học và công nghệ. 

Đề nghị các nhà khoa học phải lăn lộn trong đời sống thực tiễn, lắng nghe và phục vụ nhu cầu của nhân dân, Thủ tướng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ năm 1963: “Các tổ chức khoa học và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, phải biết công nhân, nông dân yêu cầu gì, học làm ăn và sinh sống như thế nào, họ cần được giúp đỡ, chuyển giao, phổ biến những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào”. 

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khoa học và công nghệ phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Từ đó, Thủ tướng đề nghị cơ quan hữu quan cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau.

Có thể bạn quan tâm