Nghiên cứu hé lộ cách nuôi con của người cổ đại

Nghiên cứu hé lộ cách nuôi con của người cổ đại
3 chiếc bình được tìm thấy trong các ngôi mộ chôn cất thi thể trẻ em tại những khu nghĩa địa ở Bavaria (Đức). Ảnh: sciencemag.org
3 chiếc bình được tìm thấy trong các ngôi mộ chôn cất thi thể trẻ em tại những khu nghĩa địa ở Bavaria (Đức). Ảnh: sciencemag.org

Nghiên cứu được công bố ngày 26/9 trên tạp chí Nature tập trung vào 3 chiếc bình được tìm thấy trong các ngôi mộ chôn cất thi thể trẻ em tại những khu nghĩa địa ở Bavaria (Đức) ngày nay. Trong đó, hai ngôi mộ nằm trong khu nghĩa trang có từ 800 - 450 TCN, và ngôi mộ còn lại từ khoảng 1200 - 800 TCN. Những chiếc bình có vòi bé và có chiếc giống hình con vật. Những chi tiết này khiến các nhà khảo cổ học cho rằng những vật dụng này khả năng được dùng như bình sữa cho trẻ.

Để kiểm chứng, các nhà khảo cổ đã lấy mẫu bên trong các bình và tiến hành phân tích hóa học. Kết quả cho thấy 2 bình dường như chứa sữa của các động vật nhai lại như bò và chiếc bình còn lại có dấu vết sữa của các loài khác, có thể là từ con người hoặc lợn. Dựa trên thông tin này cùng với vị trí tìm thấy những chiếc bình, các nhà nghiên cứu kết luận các vật dụng này được dùng như bình sữa của trẻ sơ sinh. 

Công trình nghiên cứu trên đã hé lộ cách các gia đình thời tiền sử cai sữa và giải quyết những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh vào giai đoạn vốn nhiều rủi ro trong quá trình phát triển. Cách người cổ đại chuyển từ giai đoạn cho con bú sữa mẹ sang ăn các loại thực phẩm khác có thể giải thích rõ hơn về cách nuôi con thời tiền sử cũng như sự phát triển của loài người. Tuy nhiên, sử dụng sữa động vật để cai sữa cho trẻ sơ sinh có thể gây ra các rủi ro sức khỏe như nhiễm khuẩn, có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu những dấu vết còn lại của người tiền sử để làm sáng tỏ xem sữa động vật có liên quan như thế nào đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Nguyễn Hằng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm