Nghiên cứu cho thấy COVID-19 liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng hội chứng COVID-19 kéo dài, còn gọi là “Long COVID”, đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng chục triệu người trên thế giới, trong đó có vấn đề tim mạch. Các bác sĩ cho rằng khoảng 10% số trẻ em mắc COVID-19 sẽ chịu ảnh hưởng của “Long COVID”. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành BMJ cho thấy những người bình phục sau khi mắc COVID-19 nhiều khả năng còn bị lo âu, trầm cảm, cũng như gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần khác. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần kép, do COVID-19 gây ra trực tiếp hoặc gián tiếp, hiện đang bùng phát.

Nghiên cứu cho thấy COVID-19 liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Để đưa ra được kết luận trên, các nhà nghiên cứu thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis của Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên dữ liệu của 153.848 cựu chiến binh. Kết quả cho thấy các bệnh nhân mắc COVID-19 có khả năng mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần trong vòng 12 tháng cao hơn nhiều so với những người không mắc bệnh. Những vấn đề này bao gồm rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức và phải phụ thuộc vào các loại thuốc như opioid, benzodiazepine và thuốc chống trầm cảm.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Trưởng khoa Nghiên cứu và Phát triển tại hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis cho rằng các hệ thống y tế cần hiểu rõ điều này để xây dựng năng lực chăm sóc những người rối loạn sức khỏe tâm thần. Theo ông, cần xác định sớm những người mắc “Long COVID” nhằm tránh gây ra các vấn đề lớn hơn, trong đó có tự tử, hoặc lạm dụng thuốc opioid khác.

Trên thực tế, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về mối liên quan giữa COVID-19 với tổn thương não lâu dài. Năm ngoái, Tiến sĩ Ricardo Costa, tác giả của một nghiên cứu về tác động lâu dài của COVID-19 đối với não, cho rằng công chúng cần phải biết rằng virus SARS-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng tới phổi. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tế bào tế bào hình sao và tế bào thần kinh - những tế bào tạo nên phần lớn bộ não của con người – cũng có thể bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Giới chuyên gia cho rằng không chỉ gây tổn hại tới não bộ, COVID-19 còn để lại những sang chấn tâm lý kéo dài nhiều thế hệ, trong đó có những hệ quả từ việc gián đoạn hoạt động. Các yếu tố mà đại dịch gây ra đối với sức khỏe tâm thần, cả những tổn thương thể chất đối với não bộ và tổn hại tâm lý, sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa ngay cả khi đại dịch kết thúc. Phần lớn gánh nặng sẽ đè lên vai các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chính phủ các nước. Do đó, giới chuyên gia mong muốn người dân tìm đến sự trợ giúp của các nhân viên y tế để có thể phát hiện sớm vấn đề và điều trị.


Ngọc Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm