Nghĩa tình giữa mùa dịch nơi Thành phố mang tên Bác - Bài 2

Nghĩa tình giữa mùa dịch nơi Thành phố mang tên Bác - Bài 2
Bài 2: Không để ai ở lại phía sau
Trong giai đoạn quyết định đến sự thành công của công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng với nhiệm vụ hàng đầu thực hiện chống dịch, cũng dành sự quan tâm để giúp những đối tượng mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đoàn thanh niên Quận 5 trao quà tận tay người có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Đoàn thanh niên Quận 5 trao quà tận tay người có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
 
Nhường cơm sẻ áo
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoảng 600.000 lao động bị ngừng việc, mất việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động. Đó là những công nhân, giáo viên nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục trên địa bàn.
 
Để thiết thực hỗ trợ những đối tượng này, trong phiên họp bất thường diễn ra vào chiều 27/3, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết triển khai gói chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hai đối tượng chính được nhận trợ cấp theo Nghị quyết của HĐND thành phố là người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ngoài ra, giáo viên trường mầm non tư thục, học sinh nghỉ học, trường không thu học phí nên không có nguồn lực chi trả lương giáo viên, thành phố cũng sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng/người.
 
Đáng chú ý, toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ này với khoảng 1.800 tỷ đồng được trích từ một phần thu nhập tăng thêm trong năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Qua đó, có thể thấy sự quan tâm đến các lao động khó khăn trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của Thành phố nói chung, của những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thành phố.
 
Chị Lê Ngọc Thương, quê Cà Mau, đang làm công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), cho biết: Hơn 1 tháng nay, Công ty cho làm việc cầm chừng, cách đây 2 tuần cho nghỉ luôn do không còn hàng để chạy máy. Ngừng việc, bao nhiêu chi phí từ tiền trọ, tiền chợ, gửi về quê... đều trông chờ vào mấy triệu tiền lương giờ đã bị cắt giữa chừng. Nhiều công nhân không biết xoay sở ra sao trong tình cảnh hiện nay.

Theo chị Thương, nghe Thành phố có chính sách hỗ trợ công nhân mất việc mỗi tháng một triệu đồng/người, ai ai cũng mừng. Nó là “cứu cánh” cho công nhân tụi em rất nhiều trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hiện nay.
 
Tương tự, chị Lê Thị Thu Hương, ở trọ trong hẻm 333 đường Nguyễn Hữu Tiến, phường Tây Thạnh (Quận 12), cho biết: Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, nhiều người lao động trong khu vực này thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đã hơn 1 tháng nay, lương hỗ trợ, việc làm không có, khó khăn chồng chất nên việc chủ nhà trọ giảm 50% cho mỗi phòng thuê như “nắng hạn gặp mưa rào”. Số tiền giảm trong thời điểm này thật sự là lớn, nhất là những công nhân lao động với nỗi lo cơm áo, gạo tiền hàng ngày đang mong mỏi chờ ngày hết dịch bệnh.
 
Chia sẻ về chính sách đậm tính nhân văn của Thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Nghị quyết của HĐND Thành phố hỗ trợ người mất thu nhập do dịch bệnh sẽ làm giảm khoảng một nửa thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thành phố. Số tiền này dành ra để hỗ trợ cho người lao động mất việc, ngừng việc. Đây thực sự là sự chia sẻ với người lao động trong thời gian khó khăn.

Đối với người vô gia cư, “Thành phố sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn", ông Nhân nhấn mạnh.
 
Trước khi có chính sách chung, cả hệ thống chính trị của Thành phố đã cùng chung sức hỗ trợ công nhân, giáo viên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vượt qua khó khăn. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, Liên đoàn Lao động Thành phố đã định hướng các cấp công đoàn tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật đối với lao động ngừng việc do dịch bệnh. Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp chăm lo đoàn viên Công đoàn, người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, tránh xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
 
Đến nay, các cấp Công đoàn thành phố đã hỗ trợ hơn 5.000 đoàn viên, công nhân lao động bị mất việc do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trong đó chủ yếu là nữ đoàn viên công đoàn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, giáo viên ở các nghiệp đoàn trường mầm non, đoàn viên công đoàn bị giảm thu nhập, mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo... Liên đoàn Lao động các quận, huyện đã vận động và được hàng trăm chủ nhà trọ đồng ý giảm tiền thuê phòng trọ cho hàng ngàn công nhân lao động.
 
Những cách làm thiết thực
Với nỗ lực không để sót bất cứ đối tượng nào bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà không được quan tâm, chăm lo, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những việc làm rất cụ thể, thiết thực.
 
Để những người trên 60 tuổi hạn chế phải đi ra khỏi nhà, Sở Y tế Thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế, phòng y tế các quận, huyện, phòng khám đa khoa chịu trách nhiệm khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi.

Người từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh thông thường, bệnh lý mãn tính ổn định đều có thể được khám và cấp phát thuốc tại nhà.

Trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện điều trị, thủ trưởng đơn vị sẽ phân công bác sĩ, điều dưỡng đến khám bệnh tại nhà cho người bệnh.
  
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đối với người cao tuổi mắc bệnh mãn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ, nếu số lượng đông, người bệnh ở xa… thì thủ trưởng đơn vị phải phân công bác sĩ bệnh viện có thể đến thăm khám, hay trao đổi trực tiếp qua điện thoại cùng người bệnh. Đối với hình thức cấp phát thuốc, nhân viên y tế sẽ giao tận nhà, người nhà có thể nhận thuốc trực tiếp cho người bệnh.
 
Để đưa đón người đau bệnh đến cơ sở y tế trong bối cảnh phương tiện công cộng phải dừng hoạt động, ngành Giao thông vận tải Thành phố phối hợp với Tập đoàn Mai Linh cung ứng 200 xe taxi để sử dụng vào mục đích hỗ trợ miễn phí cho người dân khi cần thiết.

Từ ngày 4/4 đến hết ngày 15/4, các xe này hỗ trợ người bệnh cấp cứu cần di chuyển đến bệnh viện và người bệnh sau khi xuất viện không thể ngồi được xe 2 bánh (không áp dụng đối với người mắc hoặc nghi mắc COVID-19).

Những chiếc taxi này sẽ túc trực tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, dưới sự điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh và không được đón trả khách dọc đường.
 
Nhiều đối tượng khác cũng được thành phố quan tâm, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú, rà soát tất cả các trường hợp lang thang, cơ nhỡ, đặc biệt là những người già không nơi cư trú, để chăm sóc và theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

HĐND Thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ khẩu trang cho học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập; công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) với định mức hỗ trợ 3 khẩu trang/người/tháng (loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần).
 
Để đảm bảo đời sống cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành đã cân đối đủ nguồn chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 4 và tháng 5; đồng thời phối hợp với Bưu điện Thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc chi trả này.

Theo đó, khoảng 235.000 người hưởng lương hưu; khoảng 45.000 người hưởng chính sách có công với cách mạng lãnh trợ cấp ưu đãi hàng tháng và 50.000 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng được chi trả từ ngày 6/4 thông qua tài khoản cá nhân; từ ngày 7-28/4 với hình thức chi trả tiền mặt tại nhà, không thu phí.
  
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã xây dựng các Website cung cấp thông tin các điểm bán lương thực, thực phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn... tại 24 quận huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, người dân có thể truy cập website theo địa chỉ covid19.hochiminhcity.gov.vn/diadiembankhautrang hoặc 1022.tphcm.gov.vn/covid19  để theo dõi, nắm bắt được hơn 2.100 điểm bán với các dữ liệu về tên, địa chỉ siêu thị, cửa hàng, cũng như hướng dẫn tìm đường đến nơi bán gần nhất.
  
Thực hiện hỗ trợ người nghèo, người lao động bị mất việc làm vì dịch COVID-19, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) cũng đã quyết định miễn tiền nước trong 3 kỳ, từ tháng 3 đến tháng 6/2020 cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu vực cách ly tập trung của Thành phố.

Đồng thời, Sawaco cam kết luôn đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân Thành phố, đặc biệt trong mùa khô, hạn mặn và giai đoạn quyết liệt phòng, chống đại dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Với chính sách này, khoảng 3.700 hộ nghèo, chiếm 0,19% và khoảng 22.000 hộ cận nghèo, chiếm 1,15% dân số thành phố, sẽ giảm bớt được phần nào chi phí trong sinh hoạt hàng ngày.
 
Lãnh đạo Thành phố mong mọi người cùng chia sẻ, chấp nhận khó khăn trước mắt, đảm bảo sự an toàn sức khỏe của cộng đồng, trong đó có cá nhân và gia đình của mỗi người. Mỗi người dân phải là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kêu gọi./. (Còn nữa)
  Hoàng Anh Tuấn
  Bài 3: Nặng nghĩa đồng bào
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm