Nghị quyết "Tam nông" thay đổi nông thôn Nghệ An

Nghị quyết "Tam nông" thay đổi nông thôn Nghệ An
Người nuôi tôm tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) phấn khởi bước vào thu hoạch tôm . Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Người nuôi tôm tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) phấn khởi bước vào thu hoạch tôm . Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Thay đổi bộ mặt nông thôn Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiệu quả đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều loại nông sản tăng khá, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa được triển khai thực hiện quyết liệt, bộ mặt nông thôn Nghệ An ngày càng khởi sắc. Việc xóa đói giảm nghèo được quan tâm thường xuyên, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội phát triển, đời sống, vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nói chung và nông dân nói riêng được nâng cao... Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nêu dẫn chứng, sau 10 năm thực hiện nghị quyết, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 23/23 chỉ tiêu cơ bản của nghị quyết. Nổi lên, đó là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 10 năm (2008 – 2017) của tỉnh đạt 4,68%. Mỗi năm tỉnh trồng mới từ 15.000 – 19.000 ha rừng tập trung. Đến năm 2017 diện tích có rừng của tỉnh đã đạt 942.508 ha, độ che phủ của rừng đạt 57,7%. Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh tốp đầu cả nước trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Tỉnh Nghệ An cũng thu hút, huy động được trên 12.000 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Năm 2010, Nghệ An chỉ có duy nhất một xã đạt 13 tiêu chí, đặc biệt có 50 xã không đạt tiêu chí nào trong xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay, tỉnh đã có 181/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 42%), có 3 đơn vị cấp huyện (là Thị xã Thái Hòa, Thành phố Vinh và huyện Nam Đàn) đạt chuẩn nông thôn mới... Tại Nghệ An, Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) còn giúp hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và hoạt động có hiệu quả, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững; đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội trong nông nghiệp, nông thôn được quan tâm và đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của cư dân khu vực nông thôn. Đơn cử, huyện Diễn Châu là huyện đồng bằng ven biển, có 38 xã, thị trấn, điểm xuất phát thấp, nhưng xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là rất quan trọng, huyện đã tổ chức rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất sạch theo công nghệ cao. Tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện chỉ còn 2,41% (giảm 10,3% so với năm 2011), thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 23 triệu đồng/người/năm (gấp 2,5 lần) so với năm 2011. Huyện đã có 20/38 xã (bằng 52,6% số xã toàn huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, đưa Diễn Châu trở thành huyện đi đầu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Huyện Con Cuông là huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, có 13 xã, thị trấn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 75% dân số; trong đó, có 2 xã biên giới với 55,5 km đường biên giới tiếp giáp với Lào. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng huyện vẫn kiên trì thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Ở huyện Quỳnh Lưu, từ những năm đầu nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, đến nay Quỳnh Lưu đã trở thành huyện có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất tỉnh, với 465 ha; có đội tàu khai thác hải sản chiếm 50% số tàu toàn tỉnh.Phát triển toàn diện theo hướng hiện đại Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) tại Nghệ An  nổi lên nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là vẫn còn tình trạng công nghiệp chế biến phát triển chậm, việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu còn hạn chế. Tỷ lệ hộ đói, nghèo toàn tỉnh tuy có giảm nhưng ở một số địa phương còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, biên giới. Trong xây dựng nông thôn mới, một số địa phương còn có tâm thế tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chưa quan tâm nhiều đến đầu tư cho phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động còn chậm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, tại địa phương phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là chế biến ở dạng thô và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên thiếu sức cạnh tranh; kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống; giao thông ở miền núi còn gặp khó khăn. Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, tại huyện Con Cuông việc phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách hàng năm; nguồn vốn đầu tư các hạng mục về lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Anh Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cũng cho biết, tư tưởng của một số bộ phận thanh niên thiếu ổn định, chưa yên tâm trong tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; chưa coi trọng đầu tư cho phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, tại Nghệ An, những năm tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Mục tiêu cụ thể được tỉnh Nghệ An đề ra là giai đoạn đến năm 2020 đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân là 4,5 – 5%/năm. Cơ cấu kinh tế nội ngành đến năm 2020 nông nghiệp chiếm 77%, lâm nghiệp chiếm 9%, thủy sản 14%. Tỷ lệ độ che phủ của rừng năm 2025 đạt 58%; đến năm 2020  có 265 xã (tương đương 61,5% số xã trong toàn tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân người dân nông thôn đến năm 2025 đạt  42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4%... Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng để tiếp tục nâng cao nhận thức mới về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn. Tỉnh cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhận lực cho nông thôn; thực hiện tốt quy hoạch, phát huy các nguồn lực trong tỉnh cho phát triển nông nghiệp, nông thôn… Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương cân đối, bố trí đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã ban hành. Đồng thời, hỗ trợ cho tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng một số công trình trọng điểm, quan trọng ở nông thôn, như: bố trí đủ vốn để sớm giúp tỉnh hoàn thành dự án thủy lợi, thủy điện Bản Mồng; dự án công ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Lam, hệ thống thủy lợi sông Hoàng Mai, dự án công ngăn lũ và đê Bích Hào. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển theo quy hoạch đã được phê duyệt; các dự án xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng lâm nghiệp...

          Nguyễn Văn Nhật

Có thể bạn quan tâm