Nghị lực vượt khó của nữ sinh khiếm thị

Bị khuyết tật bẩm sinh nhưng Mai Phương luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Bị khuyết tật bẩm sinh nhưng Mai Phương luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Nhìn bảng thành tích của Dương Thị Mai Phương, học sinh lớp 11 Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), ít ai có thể nghĩ đây là thành tích của một nữ sinh bị khiếm thị bẩm sinh. Vượt lên số phận, Mai Phương giành nhiều thành tích trong học tập; đặc biệt trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020, Mai Phương đã giành giải Ba môn Lịch sử.

Nghị lực vượt khó của nữ sinh khiếm thị ảnh 1 Bị khuyết tật bẩm sinh nhưng Mai Phương luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, dù gia đình đã nỗ lực để em có được 2 lần ghép giác mạc, nhưng tình trạng không mấy cải thiện. Anh Dương Anh Tuấn, bố Mai Phương chia sẻ: “Con chỉ có thể nhìn được những vật có kích thước lớn trong phạm vi 1 mét, với sách vở, con phải ghé thật sát mắt mới nhìn được. Từ nhỏ, bố mẹ cũng chỉ mong con mạnh khỏe chứ chưa nghĩ đến việc con có thể học hành được như bạn bè”.

Vậy nhưng, Mai Phương chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đến trường. Em luôn nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, cố gắng gấp nhiều lần bạn bè. Ở lớp, em gặp nhiều khó khăn khi không thể thấy chữ của cô giáo trên bảng, dù luôn được ngồi bàn đầu. Mỗi lần đọc sách vở, Phương đều phải căng mắt để đọc.

Mai Phương chia sẻ: “Khi ý thức được khiếm khuyết của bản thân thì em cũng đã học cách chấp nhận với điều đó, như việc học sẽ phải chậm hơn các bạn. Đó cũng là động lực để em cố gắng hơn”.

Để theo kịp chương trình, Phương phải tự học bài sớm hơn các bạn, tuân thủ thời gian biểu nghiêm ngặt. Khó khăn không dừng lại ở đó, càng học lớp cao, mắt của em càng mờ, mặc dù ngồi bàn đầu nhưng em cũng không nhìn thấy rõ các con chữ. Khi các bạn thường dùng sách chữ in, bảng đen phấn trắng học bài thì Phương dùng đôi tai của mình để lắng nghe và ghi nhớ bài giảng.

Phương cho biết: “Phần lớn bài giảng trên lớp của giáo viên em không thể nhìn mà phải nghe bằng tai. Vừa nghe em vừa áp dụng phương pháp tưởng tượng minh họa ghi nhớ kiến thức. Đây là một phương pháp học rất hiệu quả đối với những học sinh khiếm thị. Những phần khó tưởng tượng hoặc không chép kịp, em để trống rồi mượn vở bạn ghi lại. Về nhà có nhiều thời gian em nghiên cứu bài kỹ hơn, làm các bài tập có liên quan và đọc kỹ những bài hôm sau học”.

Điều đặc biệt, Phương luôn tìm kiếm nhiều phương pháp học mới lạ và hiệu quả để thay đổi trong quá trình học. Em chia nhỏ thời gian học, ghi âm lại các bài mình đã học sau đó nghe lại… Ngoài ra, việc đọc sách Audio trên mạng giúp tăng thêm vốn sống và khả năng ghi nhớ cho bản thân.

Nghị lực vượt khó của nữ sinh khiếm thị ảnh 2 Cây đàn piano là người bạn của em sau những giờ học căng thẳng. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Chính nhờ phương pháp học tập hiệu quả và nỗ lực không ngừng, thành tích học của Phương luôn nằm ở tốp đầu. Suốt 11 năm học, Mai Phương luôn đạt học sinh giỏi, xuất sắc. Năm lớp 8, em giành giải Ba môn Lịch sử học sinh giỏi cấp tỉnh. Lớp 9, em giành giải Khuyến Khích môn Lịch sử học sinh giỏi cấp thành phố. Tự tin với kiến thức của mình, Phương xin bố mẹ đăng ký vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, ngôi trường hàng đầu trong đào tạo học sinh giỏi của tỉnh Hà Tĩnh và là một trong những thí sinh có số điểm tốp đầu của lớp chuyên Văn. Đặc biệt, dù mới chỉ là học sinh lớp 11 nhưng tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Mai Phương đã giành giải Ba ở bộ môn Lịch sử.

Chia sẻ về cô học trò của mình, cô giáo chủ nhiệm Thái Thị Thanh Huyền cho biết: “Phương là một học sinh rất đặc biệt. Không chỉ học tập tốt mà bản thân em luôn tự tin, bản lĩnh, sẵn sàng thử sức mình trong mọi cuộc thi. Trong quá trình học tập, bạn bè và thầy cô cũng thường xuyên hỗ trợ tài liệu học cho Phương. Nhưng chính nhờ nỗ lực của bản thân mà em gặt được nhiều kết quả tốt như vậy. Em là tấm gương sáng cho bạn bè xung quanh. Không những thế, em còn truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người bằng sự lạc quan, tự tin của bản thân”.

Ngoài thời gian học ở lớp, học phụ đạo, Phương còn học thêm Piano và biết chơi nhiều loại nhạc cụ như sáo, ghi-ta… Mai Phương chia sẻ: “Không có đôi mắt sáng như các bạn, nhưng bù lại em sẽ cảm nhận được cuộc sống theo một cách khác. Không chỉ qua vẻ ngoài, mà em cảm nhận chúng thông qua tất cả các giác quan còn lại. Nhờ vậy, em cảm nhận cuộc sống này đẹp hơn qua ánh sáng của tâm hồn”.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm