Nghị định 55 - "cú hích" cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Nghị định 55 - "cú hích" cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Nhiều thay đổi đột phá

Hạn mức cho vay là thay đổi quan trọng nhất trong Nghị định 55 khi mức cho vay tín chấp được nâng lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ. Cụ thể, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình được nâng lên 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (trước đây là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã (HTX), chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng). Ngoài ra, có thêm 2 đối tượng được bổ sung vào nhóm được vay không cần tài sản bảo đảm là HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, liên hiệp HTX nông nghiệp được vay tới 2 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm; liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ còn được vay tối đa tới 3 tỷ đồng mà không cần tài sản bảo đảm. Cũng theo Nghị định 55, các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% - 80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Những quy định này sẽ góp phần khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn theo xu hướng mới là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX, hộ nông dân; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một đổi mới khác cũng rất đáng chú ý là Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Thay đổi này tạo cơ hội vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi tam nông cho đối tượng sinh sống tại các đô thị, góp phần tạo tiền đề để hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các đô thị chuyển mình với các chương trình tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa.

Chăm sóc rau xanh tại suối Đốc Học (phường Tân Tiến), TP. Buôn Ma Thuột).
Chăm sóc rau xanh tại suối Đốc Học (phường Tân Tiến), TP. Buôn Ma Thuột.

Cần hiểu và tận dụng tốt Nghị định 55

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk Trần Vĩnh Phúc, Nghị định 55 là kênh vốn đầy ý nghĩa của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để chính sách này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn Đắk Lắk, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết và tận dụng tốt những ưu đãi mà nghị định mang lại. Đặc biệt, bên những cơ chế thông thoáng, an toàn và hiệu quả thì đối tượng thụ hưởng có thay đổi mà ít người được biết. Trong số các tổ chức tín dụng đi đầu trong thực hiện Nghị định 55 là Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã xây dựng quy trình cho vay, hồ sơ thủ tục đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân đơn giản nhất, tiết kiệm chi phí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đơn vị này cũng chỉ đạo các chi nhánh trong hệ thống khảo sát nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, nhu cầu về vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tham mưu với chính quyền địa phương và phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp để thực hiện có hiệu quả nghị định này. Hiện đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo Nghị định 55.

Thực tế đã chứng minh, sau hơn 1 tháng đi vào cuộc sống, Nghị định 55 đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động tín dụng. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, ước đến nay, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 21.248 tỷ đồng, chiếm 41,7% tổng dư nợ cho vay; tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 16,4% so với đầu năm, với trên 333.478 khách hàng vay vốn. Đây là dấu hiệu khả quan để một chính sách lớn phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.

Báo Đắk Lắk Điện tử

Có thể bạn quan tâm