Nghệ thuật tượng gỗ dân gian Jrai

Nghệ thuật tượng gỗ dân gian Jrai
Tượng gỗ của người Jrai có ngôn ngữ biểu đạt khá cụ thể, đầu tiên là ngôn ngữ khối. Nghệ nhân sử dụng một khối gỗ để biểu thị tư tưởng. Hình khối ấy có vai trò quyết định trong việc thể hiện nội dung và hình thức của điêu khắc. Với những khối gỗ tròn, nghệ nhân Jrai dùng sải tay để xác định độ dài, chiều cao của tượng và đế tượng. Ở lớp tượng cổ (lớp tượng phồn thực chiều cao của tượng không quá chiều cao của người), đế tượng là khối gỗ tròn cao thấp tùy theo sáng tạo của nghệ nhân. Từ khối tròn thẳng, những hình người dần hiện ra từ những nét vạc, đẽo, đục, khắc bằng rựa, chà gạc, dao, đục với những kiểu dáng đứng, ngồi và biểu cảm trầm tư, hân hoan, ngóng trông, buồn thương... trên khuôn mặt.
 
Nghệ nhân Brôh (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) và tượng mới tạc. Ảnh: H.T.H
Nghệ nhân Brôh (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) và tượng mới tạc. Ảnh: H.T.H
Tượng gỗ Jrai không chỉ là những khối đặc chiếm chỗ trong không gian mà còn có những kẽ hở, khoảng trống được tạo trên thân tượng để nhấn mạnh vai trò tạo hình. Các mặt khối lồi cong như khuôn mặt, vòm bụng, lưng, búi tóc, khuỷu tay, mu bàn tay... choán chỗ trong không gian được gọi là khối dương; những khối lõm vào trong như miệng, hốc mắt, hốc tai, miệng ghè, ché, bung, gùi... được gọi là khối âm. Những bức tượng này, trong không gian ba chiều tự nó đã cất lên tiếng nói của mình về giới hạn đời người, chu trình vòng đời và khát vọng sinh tồn muôn đời của con người nơi trần thế.

Tượng gỗ dân gian Jrai còn mang ngôn ngữ gợi tả. Chỉ một nét đẽo vạt trên gương mặt người chống cằm tạo khoảng lõm hút ánh sáng, tượng gỗ đã tạo cảm giác khắc khổ, đau buồn nơi gương mặt trong đa dạng sắc thái của những tượng khác xung quanh. Ở lớp tượng phồn thực, con người được nghệ nhân sáng tạo không phải là con người cụ thể cá nhân mà là con người cộng đồng, con người vũ trụ. Những tượng đàn bà chửa, giao phối, khoe sinh thực khí, hình hài nhi, hình ôm mặt trầm tư đau buồn sự gợi tả thể hiện rõ nhất ở những bộ phận cơ thể được chủ động nhấn trên cột gỗ (khuôn mặt, bụng, bộ phận sinh dục nam nữ). Đồng thời, sự gợi tả còn được thể hiện qua kiểu dáng tượng (dáng đứng gợi tả sự giao hoan, dáng ngồi ôm gối, co gập của người, dáng chống cằm). Những nét tạc tập trung thể hiện ý nghĩa sinh-diệt của vòng đời người, giải thích sự ra đời của con người, sự tồn tại và sinh sôi của con người trên thế gian. Ở những buôn làng xa xôi, ngôn ngữ gợi tả trên từng tượng gỗ rất đậm nét khi họ hồn nhiên thổi hồn vào từng tác phẩm những ý nghĩ, quan niệm về quá trình sinh thành con người bằng những nét đẽo/tạc/đục mang tính khái quát cao chủ yếu là gợi mà không tả như những lớp tượng sau này.

Tượng gỗ Jrai cũng biểu đạt rõ ngôn ngữ trần thuật-diễn tả, thể hiện khá rõ nét trong những tượng mồ sau này ở vùng Chư Prông, Chư Pah, Chư Sê, Ia Pa, Krông Pa với những bộ đội cầm súng, cầu thủ ôm bóng, đôi tình nhân khiêu vũ, đôi tình nhân chở nhau trên xe máy, cô gái ôm tập vở, công an đeo súng hay những mặt nạ nửa người nửa thú trang trí trên phần giữa cột klao. Tuy nhiên, ngôn ngữ tạo hình này ở lớp tượng hiện đại với tư duy làm cho đẹp, cho vui mắt đã khiến ngôn ngữ tạo hình truyền thống của tượng gỗ dân tộc Jrai mất đi.

Cuối cùng, tượng gỗ Jrai thể hiện ngôn ngữ không gian. Tượng gỗ dân gian phải được đặt trong không gian kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà  sàn, nhà dài mới biểu thị đầy đủ giá trị của chúng. Do vậy, chính sự kết hợp giữa các hình khối trong một không gian nhất định mới quyết định được giá trị của tác phẩm điêu khắc. Trong một không gian sắp đặt cụ thể, từ nhiều góc nhìn, tác phẩm sẽ tạo nên ngôn ngữ diễn đạt của riêng nó, biểu hiện ở mỗi hướng nhìn của nghệ nhân và của người thưởng lãm. Ở từng không gian khác nhau, tượng gỗ sẽ biểu thị chức năng của mình một cách rõ nét hoặc để phục vụ người chết hoặc để phục vụ người sống. Hiện nay tượng gỗ dân gian Jrai đã và đang được sử dụng trang trí trong các không gian như: nhà thờ, khuôn viên UBND xã, quán ăn hay công viên… Đây là một hướng bảo tồn văn hóa truyền thống của chính quyền và của chính cư dân tộc người Jrai nơi họ sinh sống, của những người yêu mến nghệ thuật điêu khắc dân gian Jrai.

Trong kho tàng văn hóa dân gian Gia Lai, tượng gỗ của người Jrai là một di sản văn hóa độc đáo và luôn thu hút bất kỳ ai đứng trước chúng. Tuy nhiên, di sản này theo dòng chảy biến đổi của xã hội đang dần mai một và có nguy cơ biến mất trên vùng đất Tây Nguyên. Và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị của nó trong đời sống hôm nay, mai sau là trách nhiệm không của riêng ai.
Theo baogialai.com.vn

Có thể bạn quan tâm