Nghề nuôi dúi giúp bà con huyện vùng cao Đakrông tăng thu nhập

Nghề nuôi dúi giúp bà con huyện vùng cao Đakrông tăng thu nhập
Nuôi dúi tăng thu nhập cho bà con vùng cao. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Nuôi dúi tăng thu nhập cho bà con vùng cao. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Nhờ hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán của người dân nơi đây, sau nửa năm, hiện nay mô hình nuôi dúi do Dự án Plan tại Quảng Trị hỗ trợ đã được nhân rộng ra hơn 60 hộ ở 3 xã của huyện Đakrông: Tà Rụt có 27 hộ, A Bung có 31 hộ và Mò Ó có 4 hộ. Khi tham gia nuôi dúi, các hộ dân được dự án hỗ trợ tiền 1 con đực và 3 con dúi cái giống (350 nghìn đồng/con,  có trọng lượng từ 0,4 - 0,6Kg/con), kinh phí để xây chuồng khoảng 2,2 triệu đồng/hộ. Để tạo thêm điều kiện cho bà con trong quá trình nuôi dúi, dự án đã tổ chức tập huấn cho các hộ dân các kỹ thuật nuôi và chăm sóc dúi, các phương pháp và thuốc phòng chống dịch bệnh cho dúi.           Thức ăn của dúi là cỏ voi, củ sắn, măng tre… được các hộ nuôi hái hoàn toàn trong tự nhiên. Bình quân mỗi ngày 1 con dúi ăn hết khoảng 0,3 kg thức ăn các loại. Sau 6 tháng nuôi, dúi đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con. Với giá cả thị trường hiện tại khoảng từ 350 - 400 nghìn đồng/kg, sau khi trừ đi tất cả các chi phí các hộ dân còn lãi được trên 200 nghìn đồng/con. Ngoài ra, mỗi năm dúi cái đẻ được 2 lứa, 1 con/lứa cho bà con đạt doanh thu khoảng 700 nghìn đồng từ con giống, nâng tổng doanh thu từ nuôi dúi lên 900 nghìn đồng/con/năm. Theo ông Hồ Văn Bơn ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, so với các vật nuôi khác thì nuôi dúi dễ chăm sóc hơn, nguồn thức ăn đơn giản và dễ kiếm, đặc biệt là nguồn vốn không nhiều, rất phù hợp với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của người dân vùng cao. Vì thế, từ 4 con được hỗ trợ ban đầu, hiện nay mỗi hộ gia đình đã nâng số lượng dúi nuôi lên hàng chục con để phát triển kinh tế. Lâu nay trong các nhà hàng sang trọng tại các tỉnh, thành phố lớn, các món ăn chế biến từ thịt dúi là một trong những món ăn được các thực khách ưa thích lựa chọn, bởi mùi vị thơm, ngon và giàu chất dinh dưỡng. Dự kiến, đầu năm 2020, một số hộ gia đình tham gia mô hình sẽ xuất bán lứa dúi đầu tiên. Chị Nguyễn Thị Thảo, cán bộ chương trình của Dự án Plan tại Quảng Trị cho biết, trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu của các hộ dân, Dự án Plan sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi dúi rộng ra thêm một số xã trên địa bàn của 2 huyện miền núi ĐaKrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Trịnh Bang Nhiệm

Có thể bạn quan tâm