Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn giữ lửa tự hào cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn giữ lửa tự hào cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (Sầm Dừn), người dân tộc Cao Lan, sinh năm 1946, ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là một đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ở tuổi 76, ông Dừn vẫn miệt mài nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc Cao Lan.

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn giữ lửa tự hào cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan ảnh 1Ở tuổi 76, ông Dừn vẫn miệt mài nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Là nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, năm 2019, ông Sầm Văn Dừn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì những cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể dân tộc.

Khi mới 10 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn đã đam mê và cảm nhận được sự tinh túy, đặc sắc của Sình ca từ bố ông - cụ Sầm Văn, một người hát Sình ca nổi tiếng khắp vùng. Bố ông đã truyền tất cả kinh nghiệm, kỹ năng hát Sình ca lại cho ông.

Năm 1998, khi Nghị quyết số 03-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành, ông Sầm Dừn đã mạnh dạn mang trống Sành ra khỏi không gian thờ cúng tâm linh của đồng bào Cao Lan, biến nó thành nhạc cụ trình diễn những nét tinh hoa độc đáo vào các tiết mục biểu diễn để khán giả được hiểu thêm về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nghệ thuật của người Cao Lan. Khi ấy người cao tuổi trong làng cũng có nhiều ý kiến phản đối vì trống Sành trong văn hóa của người Cao Lan là vật thiêng chỉ dùng để thờ cúng.

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn giữ lửa tự hào cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan ảnh 2Ông Dừn luôn nhiệt tình chia sẻ cho thế hệ trẻ người Cao Lan về ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa truyền thống. Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Sau này, ông Sầm Dừn tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc ở Lạng Sơn. Tiết mục "Múa hội cờ xuân" do ông dàn dựng và biểu diễn đã giành Huy chương Bạc. Năm 2000, tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc tại Thái Nguyên, ông biểu diễn tiết mục "Tam thanh cầu lành" giành Huy chương Bạc và sau này là Huy chương Vàng trong Liên hoan văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc tại tỉnh Cao Bằng năm 2002.

Ông Trần Hạnh, Chủ tịch UBND xã Đại Phú khẳng định, Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn là một người đảng viên gương mẫu, người có uy tín trong cộng đồng và là niềm tự hào của đồng bào Cao Lan. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Mãn Hóa, ông Sầm Dừn thường xuyên vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ do ông thành lập duy trì sinh hoạt suốt hơn 20 năm qua và cũng trở thành niềm tự hào của đồng bào Cao Lan ở Tuyên Quang khi liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các hội thi, hội diễn ở địa phương cũng như trên toàn quốc, vinh dự được phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước.

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn giữ lửa tự hào cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan ảnh 3Anh Sầm Anh Đạo, con trai ông Sầm Dừn, người được ông kỳ vọng sẽ nối nghiệp cha duy trì và phát triển Sình Ca cũng như văn hóa Cao Lan. Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Mong muốn được truyền đến lớp trẻ di sản của cha ông để lại, ông Sầm Dừn đã mở lớp dạy hát Sình ca tại nhà. Những năm qua, ông đã truyền dạy được 4 thế hệ diễn viên, gần 100 học viên biết hát, múa các làn điệu dân tộc. Ông cũng đóng góp nhiều bản dịch bài hát Sình ca cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm tư liệu nghiên cứu, lập hồ sơ và được cấp có thẩm quyền công nhận Sình ca của dân tộc Cao Lan là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện nay, ông Sầm Dừn đang sưu tầm và lưu giữ hơn 200 đầu sách cổ hàng trăm năm tuổi viết bằng chữ Nho và 8 tập sách hát Sình ca của dân tộc mình. Những cuốn sách cổ ông đang lưu giữ chủ yếu mô tả về nguồn gốc loài người, ca dao, tục ngữ, chứa đựng những câu chuyện kể về các vị thần trong tín ngưỡng đồng bào, quá trình di cư, định cư và nhất là các nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Cao Lan. Nhờ tâm huyết và sự chia sẻ của ông Sầm Dừn nhiều thế hệ người Cao Lan ở trong thôn, trong xã đã tìm lại được tình yêu với văn hóa truyền thống, với điệu Sình Ca. Những hiểu biết của ông cùng quá trình nghiên cứu, chỉ bảo cho bà con cách hát, cách múa các điệu múa truyền thống đã giúp gắn kết cộng đồng làng xóm, thanh niên dân tộc Cao Lan cũng có sự quan tâm, học tập để cùng cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn giữ lửa tự hào cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan ảnh 4Ông Dừn sưu tầm và lưu giữ hơn 200 đầu sách cổ hàng trăm năm tuổi viết bằng chữ Nho và 8 tập sách hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Ảnh: Nam Sương-TTXVN

Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, chắt lọc những tinh túy nhất của văn hóa dân tộc mình qua từng trang sách, từng lời ca cổ để truyền dạy cho lớp trẻ. Ông đã sáng tác trên 140 câu hát Sình Ca gắn với thực tế đời sống hiện tại để các thế hệ trẻ dễ tiếp cận và thực hành, giúp duy trì giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Ông còn được dân bản gọi là "bảo tàng sống" bởi đang lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: sành, pí lè, chũm chọe, sóc nhạc…

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, ông Sầm Dừn đã 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào các năm 2010 và năm 2017. Cuối năm 2022, Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn được UBND tỉnh Tuyên Quang vinh danh là 1 trong 10 "Công dân tiêu biểu" toàn tỉnh.

Nam Sương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm