Nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh "tuổi cao chí càng cao"

Nghệ nhân nhân dân Lê Văn Kinh "tuổi cao chí càng cao"
Thợ thêu thì có nhiều, nhưng nghệ nhân Lê Văn Kinh là người duy nhất ở thành phố Huế thực hiện được kỹ thuật thêu tay kim tuyến nhỏ sợi do Nhật Bản sản xuất, bằng cách ghép hai sợi kim tuyến để thêu trên nền lụa tơ tằm màu đen, tạo ra ánh sáng tự nhiên phản chiếu đa chiều. Kỹ thuật này được ứng dụng vào 8 môn thêu truyền thống để tạo thành sản phẩm mỹ thuật hiện đại. Ông được bạn bè trong và ngoài nước kính trọng, gọi là "Thần đồng đất Việt"; còn các chuyên gia UNESCO gọi ông là "báu vật nhân văn sống". Ông hiện nổi tiếng với các mẫu thêu áo Kimono xuất khẩu sang Nhật Bàn.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh lập kỷ lục Việt Nam với bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác thiền sư bằng nhiều thứ tiếng nhất (20 thứ tiếng nước ngoài), trong đó có đủ 20 thứ tiếng của những nước lấy Phật giáo làm quốc giáo như Thái Lan, Campuchia. Ông cho biết: Cơ duyên để ông ấp ủ và thực hiện bộ tranh này là vào khoảng năm 2000, trong một lần tiếp ông Jeff Bo Bollinger, một vị khách đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, đưa ra lời đề nghị "Ông hãy dành cho tôi một đặc ân mang tính văn hoá thuần Việt Nam trước khi tôi về nước". Vậy là bức "Cáo tật thị chúng" với nội dung: "Xuân đi, trăm hoa rụng/ Xuân đến, trăm hoa cười/ Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai" (theo bản dịch của Tản Đà), được ông đặc biệt chú ý và thực hiện cho đến tận bây giờ.

Bức tranh thêu “ Cáo tật thị chúng” bằng 14 thứ tiếng do nghệ nhân Lê Văn Kinh thực hiện . Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Bức tranh thêu “ Cáo tật thị chúng” bằng 14 thứ tiếng do nghệ nhân Lê Văn Kinh thực hiện . Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Hàng chục năm qua, bài thơ được thêu trên chất liệu lụa tơ tằm lần lượt ra đời với nhiều thứ tiếng khác nhau như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới. Nhiều bức thêu trong số này được du khách đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản...đặt mua với số lượng lớn. Việc viết chữ để thêu đã khó, việc chọn màu chỉ cho từng bức thêu để phù hợp với văn hóa của từng quốc gia lại càng khó hơn. Có những bức tranh nghệ nhân Lê Văn Kinh phải thực hiện trong cả tháng mới xong. Bởi thế, mong muốn của ông là được mang bộ tranh thêu này giới thiệu và tham gia triển lãm ở nhiều nơi trong và ngoài nước.

Trước đó, lão nghệ nhân Lê Văn Kinh còn rất thành công với hai bức tranh thêu tác phẩm "Tẩu lộ" (Đi đường) - trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khổ 59 cm x 94 cm: "Đi đường mới biết gian lao/Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/Núi cao lên đến tận cùng/Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non". Ông cho biết, các bức tranh thêu này dựa vào bản dịch của Nam Trân. Một bức được thực hiện theo lối chữ viết quốc ngữ và phần phiên âm. Bức thứ hai được thực hiện bằng lối viết thư pháp chữ Hán. Cả hai bức thêu này được thể hiện trên nền gấm màu trắng ngà, dệt bằng bảy màu chỉ khác nhau hay còn gọi là gấm thất thể, tất cả đều được gửi mua từ Thượng Hải (Trung Quốc). Hiện, tác phẩm trên được treo trang trọng trong cửa hiệu thêu Đức Thành (cửa hiệu của ông) ở 82, đường Phan Đăng Lưu - Huế. Đối với ông, đây là những báu vật của cuộc đời mình, bởi đó còn là cả tấm lòng của người thợ thủ công Huế đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhà văn hoá lớn.

Bức tranh thêu bài “ Tẩu lộ (Đi đường)” của Bác Hồ do nghệ nhân Lê Văn Kinh thực hiện. Ảnh: Quốc Việt – TTXVN.
Bức tranh thêu bài “ Tẩu lộ (Đi đường)” của Bác Hồ do nghệ nhân Lê Văn Kinh thực hiện. Ảnh: Quốc Việt – TTXVN.

Sinh ra trong một gia đình có ông nội và cụ thân sinh làm nghề thêu, từng nhận thêu hoàng bào cho nhà vua dưới thời Khải Định, Bảo Đại, nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã thừa hưởng được tất cả sự khéo léo của đường kim, mũi chỉ từ bàn tay tài hoa của những người thợ trong gia đình. Năm 10 tuổi, Lê Văn Kinh đã có hàng chục tác phẩm thêu khiến nhiều người thán phục, trong đó có không ít tác phẩm đã được gửi đi triển lãm tận châu Âu, châu Mỹ. Một tác phẩm thêu "Tùng, hạc" trên chất liệu lụa tơ tằm, nền chỉ tissor, với đường nét sắc sảo, lưu giữ gần 70 năm qua, cho đến tận bây giờ. Năm 1958, ông đã thêu bức tranh "Bất khuất" tỏ rõ khí phách của người dân nước Việt về Trần Bình Trọng, khổ 1,8m x 1m, trong 9 tháng miệt mài kim chỉ để gửi đi triển lãm ở Mỹ...

Sau năm 1975, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã thêu Cẩm Tú, thu hút 150 lao động vào làm nghề thêu. Những năm sau đó, ông vào làm ở ngành ngoại thương, tiếp tục dạy nghề cho các cơ sở thêu ở Phú Lộc, Hương Phú, Quảng Điền, Hương Điền, Triệu Hải. Sản phẩm thêu từ đó đi các nước Đông Âu, Liên Xô, với các loại sản phẩm khăn trải giường, áo gối, và sau này là áo Kimônô xuất sang Nhật Bản. Suốt thời gian ấy, ông đã dạy và truyền nghề cho hơn 100.000 người. Nhiều người trong số đó, bây giờ trở thành thợ lành nghề, tài hoa của thành phố Huế và nhiều địa phương khác trong vùng.

Ông là một trong những người thợ thủ công đầu tiên của Huế được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân " của nước ta.
Quốc Việt 

Có thể bạn quan tâm