Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận - "Bàn tay vàng" nghề đúc đồng xứ Huế

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận - "Bàn tay vàng" nghề đúc đồng xứ Huế
Một trong những người có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề đúc thủ công mỹ nghệ của tỉnh Thừa Thiên - Huế là nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận. Ông được mọi người nể trọng bởi nắm giữ các kỹ năng, bí quyết trong nghề đúc đồng truyền thống cũng như các kỹ thuật, mỹ thuật, với bề dày kinh nghiệm lâu năm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận - "Bàn tay vàng" nghề đúc đồng xứ Huế ảnh 1
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận năm nay 64 tuổi, nhưng có tới trên 47 năm làm nghề đúc đồng. Với bề dày kinh nghiệm đặc biệt xuất sắc của mình, ông đúc được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, các sản phẩm trưng bày tại các bảo tàng, nơi thờ cúng tâm linh, di tích lịch sử văn hóa, đủ các loại kích cỡ từ hàng lưu niệm nhỏ đến các sản phẩm lớn nặng từ vài kg đến gần 5 tấn. Các sản phẩm đều đòi hỏi phải có chất lượng đồng tốt, cách pha chế các loại vật dụng và các phụ gia, phương pháp nấu đồng, thời gian nấu đồng chảy với độ trong suốt trước khi rót, cũng như kỹ thuật rót đồng vào khuôn mẫu có độ tinh xảo cao, làm nguội, gia công và hoàn chỉnh sản phẩm.

Ông trực tiếp thiết kế, chế tác được nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, mỹ thuật, kỹ thuật cao như: Hạc cưỡi rùa bằng đồng nặng 500kg, cao 2m; súng thần công bằng đồng nặng hơn 1,2 tấn, dài 2m; mục đồng thổi sáo trên lưng trâu nặng 1 tấn, cao 2m; phù điêu khánh (chuông) các di tích lịch sử quốc gia và địa phương; tham gia trưng bày, biểu diễn nghề tại Festival Nghề truyền thống Huế. Đặc biệt, bản thân nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận đã đúc được các sản phẩm tượng, chuông bằng đồng phục vụ việc thờ cúng tâm linh cũng như trưng bày tại các nghĩa trang liệt sĩ, khu du lịch tâm linh, kích thước lớn, nặng từ 3 tạ đến 4,5 tấn với giá trị lên đến 2,5 tỷ đồng.

Quá trình hành nghề đúc đồng hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và hàng lưu niệm, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận trực tiếp thiết kế, chế tạo mẫu mã, đúc bằng đồng các sản phẩm đạt chất lượng cao và được khen thưởng gồm: Giải Tinh hoa Việt Nam với sản phẩm "Đôi hạc cưỡi rùa" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng Việt Nam tổ chức; đoạt Giải 3 với sản phẩm "Súng thân công" trong Hội thi sản phẩm lưu niệm và quà tặng do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức; danh hiệu "Bàn tay Vàng Việt Nam" do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Trung ương trao tặng trong Chương trình Truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch tiêu biểu năm 2012. Bên cạnh quá trình sản xuất, ông thường xuyên quan tâm tới công tác từ thiện xã hội, riêng trong 2 năm 2015, 2016, mỗi năm ông dành tặng 40 suất quà cho các hộ nghèo tại phường Thủy Xuân và Phường Đúc, làm tốt các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận - "Bàn tay vàng" nghề đúc đồng xứ Huế ảnh 2
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận đã có tới trên 47 năm làm nghề đúc đồng, nhận được nhiều giải thưởng của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Trung ương. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Nói về truyền thống làng nghề ở phường Đúc, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận cho biết: Theo gia phả của dòng họ Nguyễn, làng đúc (nay là phường Đúc) ra đời từ năm 1836 đến nay tồn tại 169 năm. Ban đầu là một nhóm thợ có nguồn gốc từ Ninh Bình vào phục vụ phủ chúa, đúc các vật dụng trong triều và đến định cư tại các thôn Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng, Trường Súng (phường Đúc bây giờ). Lớp thợ kế tục sự nghiệp đúc đồng ngày nay tại phường Đúc thuộc đời thứ 10, 11 của dòng họ Nguyễn bấy giờ.

Nghề đúc đồng có nhiều, nhưng để đúc được các sản phẩm tinh xảo, ngoài khuôn đúc, còn có những “bí truyền“ riêng. Quan trọng nhất trong nghề đúc đồng là phải có sự tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim, nung chảy đồng để rót vào khuôn mẫu... Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận cho biết, nghề đúc đồng rất vất vả, những trưa hè oi ả bên cạnh lò lửa cháy hừng hực có khi hoa cả mắt, nhưng người thợ không được một phút lơ là, nhất là khi đồng được đun nóng để đổ vào khuôn, chính xác đến từng giây. Chỉ cần ngắt nhịp trong tích tắc, lớp này sẽ không kết dính với lớp kia coi như sản phẩm hỏng hết.

Những người thợ phường Đúc còn truyền lại với con cháu: Trước đây, khi đúc 9 khẩu súng thần công ở Đại Nội, có 1 khẩu sau khi hoàn chỉnh nâng lên thì nó gãy đôi. Nguyên nhân do những người thợ làm ra nó có sai sót, khi rót đồng vào khuôn đã không rót liên tục mà có lúc đồng bị ngắt nhịp. May mà có người thân trong nội triều xin tha cho tội “tru di tam tộc“, nên con cháu làng nghề mới tồn tại cho đến hôm nay. Những người kể lại sự việc trên vẫn không biết câu chuyện chính xác đến mức nào, nhưng xem đây là lời nhắc nhở cho lớp con cháu từ đời này sang đời khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận - "Bàn tay vàng" nghề đúc đồng xứ Huế ảnh 3
Hoàn thiện sản phẩm đồng đúc tại cơ sở sản xuất của nghệ nhân
Nguyễn Văn Thuận. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Mong muốn của nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận là việc tổ chức lại làng nghề hướng đến điểm tham quan, mua bán hàng lưu niệm cho khách du lịch, làm phong phú thêm hoạt động kinh doanh nghề trên địa bàn. Hiện ở phường Đúc, mộ và nhà thờ ông tổ nghề đúc đồng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp loại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện toàn phường Đúc có 59 hộ làm nghề đúc đồng, với tổng vốn kinh doanh vào khoảng 2.848,5 triệu đồng; trong đó vốn cố định khoảng 1.380 triệu đồng, còn lại là vốn lưu động. Tổng doanh thu hàng năm của phường Đúc khoảng 5,5 tỉ đồng.

Sự nổi tiếng của phường Đúc đã thu hút khách thập phương đến tham quan. Nếu được đầu tư đúng mức, thì phố nghề, làng nghề phường Đúc trong tương lai sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách tham quan, mua bán hàng lưu niệm, làm phong phú thêm chương trình, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Huế./.
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm