Nghệ nhân Hù Cố Xuân gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Si La

Nghệ nhân Hù Cố Xuân gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Si La
Nghệ nhân Hù Cố Xuân đang truyền dạy những bài ca, điệu múa của dân tộc Si La cho các chị em trong bản Seo Hai. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Nghệ nhân Hù Cố Xuân đang truyền dạy những bài ca, điệu múa của dân tộc Si La cho các chị em trong bản Seo Hai. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, Si La là một trong 5 dân tộc ít người nhất, có số dân chưa đến 1.000 người. Cách đây mấy chục năm, do đường sá đi lại khó khăn, người Si La không ra khỏi bản. Việc dựng vợ, gả chồng, sinh con của bà con chỉ loanh quanh trong dòng tộc. Do ít giao tiếp với các dân tộc khác, những bản sắc văn hóa của dân tộc Si La ít được người nơi khác biết đến. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện nay, lớp trẻ trong đồng bào dân tộc Si La đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hiện đại, hầu như không quan tâm đến việc gìn giữ và truyền bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Là một trong số ít người già còn lưu giữ được những nét văn hóa dân tộc Si La, nghệ nhân Hù Cố Xuân hiểu rằng, nếu không gìn giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình cho con cháu, chẳng bao lâu nữa những điệu múa, lời ca kia sẽ không còn. Với ý nghĩ đó, nhiều năm qua, dù mưa hay nắng ngày nào bà cũng dạy chị em và các bé gái trong bản Seo Hai và Sì Thâu Chải hát những điệu dân ca, những điệu múa cổ của dân tộc mình. Nhớ đến đâu,  bà truyền dạy đến đó với mong muốn những nét văn hóa đó sẽ được lưu giữ đến các thế hệ sau này.
Ngoài việc truyền dạy những bài ca, điệu múa truyền thống, nghệ nhân Hù Cố Xuân còn thường xuyên tuyên truyền, kể chuyện cho các cháu thiếu nhi trong bản về những phong tục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Ngoài việc truyền dạy những bài ca, điệu múa truyền thống, nghệ nhân Hù Cố Xuân còn thường xuyên tuyên truyền, kể chuyện cho các cháu thiếu nhi trong bản về những phong tục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Nghệ nhân Hù Cố Xuân chia sẻ, bà muốn truyền dạy lại để văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ, bảo tồn. Bà đã viết lời của tiếng Si La bằng chữ phổ thông ra giấy để cho các chị em và các cháu hát theo. Bây giờ, các chị trong đội văn nghệ của bản đã có thể đi giao lưu hát múa mọi nơi, như đi thi ở Trung ương hay đi chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… Bà còn tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La. Đến nay, nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc như thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, mừng cơm mới, tạ ơn trời đất, lễ cấm bản..., đã bắt đầu được phục dựng lại. Việc truyền dạy những ngày đầu gặp không ít khó khăn, phần vì chính bản thân bà không còn nhớ hết các bài dân ca cổ, những điệu múa, những trang cụ trong từng điệu múa, phần vì xã hội ngày càng phát triển các thế hệ trẻ đã không còn mặn mà, tha thiết với những làn điệu ca cổ, hay điệu múa dân gian. Bên cạnh đó, chị em bận làm nương, làm ruộng và tất bật lo cuộc sống gia đình nên không còn thời gian để cùng bà tập luyện. Bằng sự tâm huyết của mình và tha thiết muốn giữ lại những bản sắc của người dân tộc Si La, bà đã không quản ngại vất vả, khó khăn để đến từng nhà vận động từng chị em một. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, các chị em trong bản đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi cùng bà ôn lại những điệu múa, ca cổ của dân tộc mình. Chị Pờ Cố Ky, thành viên đội văn nghệ bản Seo Hai, xã Can Hồ chia sẻ, trước đây, mình chỉ biết đi làm nương, làm ruộng, có biết hát, biết múa gì đâu. Được bà Xuân đến vận động tham gia đội văn nghệ, truyền dạy cho những điệu múa, bài ca truyền thống của dân tộc, mọi người tranh thủ những lúc nhàn rỗi để học. Bây giờ, nhiều chị em trong bản biết nhiều hơn về các bài hát và bài múa của dân tộc mình.
Các chị em người dân tộc Si La ở bản Seo Hai say mê luyện tập những điệu múa truyền thống do nghệ nhân Hù Cố Xuân truyền dạy. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Các chị em người dân tộc Si La ở bản Seo Hai say mê luyện tập những điệu múa truyền thống do nghệ nhân Hù Cố Xuân truyền dạy. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Theo bà Lý Thị Chanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kan Hồ, bà Hù Cố Xuân là một trong số ít người cao tuổi trong đồng bào Si La hiểu, biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thông qua đề án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La”, bà đã rất nỗ lực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Bà Xuân đã rất nhiệt tình, chịu khó đi vận động các chị em và các cháu trong bản để truyền dạy. Đến nay, bà đã thành lập được hai đội văn nghệ, một đội là các chị em từ 30 tuổi trở lên và một đội các cháu khoảng 20 tuổi, để truyền dạy các bài ca, điệu múa cổ của dân tộc mình, với hy vọng những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình được lưu truyền mãi mãi. Ông Tống Văn Kem, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè cho biết, nghệ nhân Hù Cố Xuân là người có nhiều công lao cũng như đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Si La. Ngoài việc tuyên truyền, thành lập đội văn nghệ để truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa cổ của dân tộc cho thế hệ trẻ, bà Xuân còn tham gia vào nghiên cứu, phục dựng các phong tục truyền thống như thờ, cúng tổ tiên, tạ ơn trời đất, mừng cơm mới, cưới hỏi, sưu tầm về nguồn gốc của dân tộc Si La; tham gia viết sách, trực tiếp làm giảng viên đứng lớp giảng dạy về văn hóa Si La… Với sự tâm huyết và những cống hiến trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Si La, nghệ nhân Hù Thị Xuân đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương trao tặng. Đặc biệt, tháng 3/2019, bà đã được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú”. Ở nơi vùng biên viễn, Mường Tè có tới trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu như không có những người tâm huyết, luôn hết mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình như nghệ nhân Hù Cố Xuân, những thế hệ 8X, 9X sẽ không còn biết đến làn điệu dân ca cổ, những dịp điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng của các chị các em khi hòa mình vào điệu múa; những nghi lễ truyền thống của dân tộc sẽ không được phục dựng và lưu truyền cho đời sau.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm