Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang

Nghề nấu đường thốt nốt ở An Giang
Câu chuyện làm đường

Nghề nấu đường có từ rất lâu. Người Khmer Tri Tôn và Tịnh Biên lớn lên đã thân quen với mùi thơm bốc lên từ những lò đường. Người ta coi đường thốt nốt là đặc sản của địa phương nhưng người Khmer lại xem đó là món quà quý của trời đất. Nhiều gia đình theo nghề nấu đường từ đời nọ qua đời kia.
 
Đường Thốt nốt - đặc sản An Giang.
Đường Thốt nốt - đặc sản An Giang.

Câu chuyện làm ra đường từ cây thốt nốt này là cả một huyền thoại được đồng bào Khmer truyền tụng qua nhiều đời. Chuyện kể rằng, có một người nông dân chăn bò nằm nghỉ trưa dưới cây thốt nốt. Đang thiu thỉu ngủ, ông ta bỗng giật mình tỉnh giấc vì có một giọt nước ngọt lịm từ trên cao rơi xuống ngay miệng mình. Ông lồm cồm ngồi dậy dáo dác nhìn quanh vẫn không phát hiện được điều gì. Tò mò ông trèo lên cây xem thử mới biết rằng những giọt nước vừa rơi xuống xuất phát từ đọt của cây thốt nốt bị gãy ngang. Ông vội vàng mang ống tre đựng nước uống của mình lên hứng những giọt nước do trời ban tặng đem về nhà khoe với vợ con. Do nước thốt nốt để lâu ngày sẽ bị lên men chua không dùng được, đồng bào Khmer mới nghĩ cách chế biến thành rượu và cô đặc lại thành đường tán như hiện nay.

Công nghệ làm đường

Thông thường, mùa khai thác nước thốt nốt và nấu đường khoảng 6 tháng, nếu năm nào nắng kéo dài thì thời gian thu hoạch, chế biến lại tăng lên. Cứ hễ nắng gắt chừng nào thì nước nấu cho nhiều đường chừng đó. Đã trở thành thông lệ, để bắt tay vào vụ làm ăn mới, người làm nghề này phải lo sắm sửa đồ đạc đầy đủ: Tre làm thang leo, keo nhựa đựng nước, dự trữ trấu hoặc lá cây làm chất đốt, kiểm tra nồi, lò tươm tất…
Công nghệ nấu đường thốt nốt của bà con An Giang.
Công nghệ nấu đường thốt nốt của bà con An Giang.

Công nghệ làm đường thốt nốt cũng lắm công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau. Đường thốt nốt nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông cây thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt. Tuy nhiên, mỗi cây thốt nốt chỉ có khoảng 2 - 3 bông cho nước tốt, phần còn lại sẽ chờ thu hoạch trái.

Hái thốt nốt đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo nên công việc này thường dành cho cánh đàn ông trung niên. Vất vả là thế nên mọi người ở đây vẫn thường hay nói với nhau, đây là nghề “ăn dưới đất, làm trên trời”. Để lấy được nước, nông dân dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang leo. Khi lên đến ngọn cây, người ta cắt phần ngọn những cuống hoa, sau đó dùng can nhựa hứng nước. Trước đây, thường dùng ống tre gai, ống to, giao lóng để hứng nước thốt nốt, nhưng ngày nay không còn dùng ống tre nữa, mà thay vào đó là thùng nhựa loại nhỏ để nhẹ công mang lên cây. Nếu cây cho nước tốt thì mẻ đường sẽ thơm ngon, dễ đánh, màu sắc đẹp, có thể dùng để đổ đường tán (đường cục). Nếu ít nước hoặc nước không trong thì chỉ dùng để nấu đường chảy.

Hàng ngày, nông dân phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp để trèo lên cây cất nước. Sau khi lấy nước, thợ tiếp tục dùng dao cắt một khoanh tròn mới ở phần đầu hoa bỏ đi và tạo phần nốt cắt mới cho hoa để tích nước tiếp.

Xong công đoạn lấy nước thốt nốt đầy vất vả và nguy hiểm, công đoạn nấu đường cũng lắm gian nan. Thường mỗi lần lấy nước xong, trong vòng 24 giờ phải thắng đường, để lâu hơn sẽ bị chua. Người ta đắp lò đất, đặt chảo to rồi đổ nước thốt nốt vào nấu. Nước thốt nốt được cho vào 1 cái chảo lớn, nấu khoảng 4 giờ là cô đặc lại thành đường chảy.Những người có kinh nghiệm chỉ cần nếm nước thốt nốt là biết được hàm lượng của đường bên trong, đồng thời có thể tính được số lượng vôi thêm vào để khử độ chua của đường. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục để còn màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt.

Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Nếu cắn thử một miếng đường thì cảm giác của vị ngọt và béo của những hạt đường thốt nốt tan bên trong miệng sẽ là một hương vị khó quên của những khách phương xa.
 
Thành quả.
Thành quả.

Phát triển ổn định

Tại An Giang, khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, An Giang có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở hai huyện có đông đồng bào Khmer là Tri Tôn, Tịnh Biên phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng, bởi đặc tính thơm ngon và đặc trưng vùng, miền của sản phẩm. Do mùa nấu đường trùng với mùa hành hương nên khá nhiều hộ dân sống nhờ nghề này cũng có được nguồn thu khá.

Một tương lai tươi sáng đang mở ra phía trước cho bà con Khmer nơi đây khi ngành Du lịch tỉnh An Giang đã và đang xúc tiến đầu tư phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, và đặc sản đường thốt nốt sẽ theo chân khách du lịch đi muôn phương.
Theo thegioidisan.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm