Nghề đan lục bình góp phần tạo việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu Kiên Giang

Nghề đan lục bình góp phần tạo việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu Kiên Giang

Sau gần hai năm phát triển, nghề đan lục bình tại ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chị Lê Thị Kim Thoa, chủ cơ sở đan lục bình ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông cho biết, trước đây, chị tận dụng tre trúc ở địa phương để đan các sản phẩm thủ công như giỏ xách, chậu hoa… Kỹ thuật đan không khó nhưng đòi hỏi người đan cần phải tỉ mỉ, khéo léo trong khâu chuốt nan. Một lần đến Hậu Giang, thấy bà con sử dụng thân cây lục bình để đan, chị tìm hiểu và học hỏi cách làm, rồi nhận về gia công thành phẩm. Sau hơn một năm, chị chuyển sang đan lục bình. Kỹ thuật đan lục bình đơn giản, chỉ cần được hướng dẫn vài lần, mọi người đều làm được.

Nghề đan lục bình góp phần tạo việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu Kiên Giang ảnh 1Phụ nữ ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, với nghề đan lục bình lúc nhàn rỗi cho thêm thu nhập đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Tiện lợi của đan lục bình là không bị gò bó về thời gian, có thể tranh thủ làm trong thời gian rảnh rỗi. Trung bình, một người có thể đan khoảng 2-3 sản phẩm/ngày, mỗi sản phẩm được khoảng 30.000 - 40.000 đồng tùy theo mẫu.

Thấy chị Thoa đan lục bình hiệu quả, nhiều chị đã đến học hỏi kinh nghiệm. Chị Thoa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dạy họ cùng đan. Đến nay, địa phương có trên 100 chị cùng tham gia. Mô hình đan lục bình đã góp phần giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn cho nhiều chị em, giúp các gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Theo chị Lê Thị Kim Thoa, trước đây, nghề đan đát chủ yếu bằng tre, trúc ít người tham gia vì phải qua nhiều công đoạn khó, cần đến đàn ông như phải đi tìm mua và tự chặt cây, sau đó đem về chẻ ra mới đến lượt chị em vuốt nan, đan lát. Giờ đan lục bình chỉ mất vài ngày học hỏi là có thể làm được theo mẫu. Nghề đan lục bình nhẹ nhàng, dễ làm, mọi lứa tuổi từ người già đến các em mới lớn đều có thể tham gia. Đặc biệt, nhiều phụ nữ đã lớn tuổi, không làm được việc nặng nhọc, các chị bận chăm sóc gia đình… vẫn có thể nhận sản phẩm về làm để có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Thông thường, mọi người nhận mẫu của các công ty ở Long Mỹ (Hậu Giang), sau đó đan theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về công ty.

Bà Võ Thị Tới (55 tuổi), ở ấp Cạnh Đền 3, xã Vĩnh Phong cho biết, trước đây, bà thường đi làm thuê theo mùa vụ. Nay tuổi cao, bà không làm được những việc nặng nhọc. Từ ngày có nghề đan lục bình, bà không phải đi làm thuê nữa, cuộc sống thoải mái hơn nhiều.

Từ khi thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thủ công mỹ nghệ hay chủ cơ sở, công việc của chị em ổn định hơn. Hợp tác xã đứng ra làm đầu mối hợp đồng với các công ty nên có những đơn hàng thường xuyên, giúp chị em có công việc và thu nhập đều đặn.

Chị Nguyễn Ngọc Hòa, ở xã Vĩnh Phong cho biết, trước đây, chị đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, do bị bệnh nên nghỉ việc, trở về làm nghề đan lục bình. Nghề này cũng không quá nặng nhọc. Tuy thu nhập không cao nhưng hiện tại mỗi ngày thu nhập được hơn 100.000 đồng, trang trải được một phần chi tiêu trong gia đình.

Nghề đan lục bình góp phần tạo việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu Kiên Giang ảnh 2 Các sản phẩm làm ra từ cây lục bình. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Không chỉ có các chị, các bà tham gia đan lục bình, nhiều gia đình còn có cả những lao động nam, những ông chồng cũng phụ giúp vợ mình đan hoặc giúp vận chuyển và giao sản phẩm đến cho công ty.

Chị Lê Thị Đảm, ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông cho biết, trước đây, chị chỉ ở nhà trông con, lo việc nội trợ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi có nghề đan lục bình, vừa chăm con, chị vừa tranh thủ đan, mỗi ngày cũng kiếm được gần 100.000 đồng, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, giảm gánh nặng cho chồng.

Chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ cơ sở đan lục bình ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông cho biết: Trước đây, chị em trong ấp chủ yếu đi làm thuê mướn theo mùa vụ, hết mùa, rảnh rỗi chỉ ở nhà. Từ khi có nghề đan lục bình, nhiều chị trong ấp có việc làm thường xuyên, trung bình một ngày, người đan nhanh thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng. Người mới biết đan cũng có thu nhập từ 50.000 - 70.000 đồng. Hiện nay, hơn 100 chị em trong huyện làm nghề này, trong đó có khoảng 40 chị xem đây là công việc chính, làm hàng ngày. Nhờ vậy, mấy năm qua, kinh tế các gia đình đã có phần ổn định hơn, cuộc sống bớt khó khăn hơn trước.

Theo ông Thái Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Phong Đông, hiện tại có nhiều gia đình trong xã làm nghề đan lục bình, từ đó có thêm thu nhập và phát huy thế mạnh của làng nghề ở ấp Ruộng Sạ 2, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã đến đầu năm 2020 xuống còn 3,59%. Đến nay, không chỉ ở xã Phong Đông, nhiều xã khác ở huyện Vĩnh Thuận có nhiều chị cùng tham gia đan lục bình để có thêm thu nhập. Có thể nói, nghề đan lục bình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, là cứu cánh của nhiều lao động nhàn rỗi, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, bước đầu góp phần làm thay đổi chất lượng đời sống của người dân.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm