Nghề đan lát truyền thống Lan Đình

Nghề đan lát truyền thống Lan Đình
Các sản phẩm truyền thống của làng là các dụng cụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm – TTXVN
Các sản phẩm truyền thống của làng là các dụng cụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm – TTXVN

Người dân nhận xét, sản phẩm gia dụng mây, tre Lan Đình có hình thức đẹp, chắc, bền nhờ kỹ xảo đan truyền thống điêu luyện, tỉ mẩn của người thợ và giá cả phải chăng, hợp túi tiền người lao động với mức từ 10.000 - 150.000 đồng/sản phẩm. Theo người dân làng nghề, trước xu hướng sử dụng đồ dùng hữu cơ để bảo vệ môi trường nên hiện sản phẩm của làng làm ra cung không đủ cầu. Cuối buổi chiều hàng ngày, tất cả sản phẩm đều được đại lý thu mua tại làng, tập trung lại để xuất bán ra các chợ đầu mối trong tỉnh và cung ứng cho người tiêu dùng.

Để có sự tín nhiệm, tin dùng của khách hàng, tất cả các hộ gia đình trong làng nghề đan lát truyền thống Lan Đình đều tuân thủ một nguyên tắc và cũng như hương ước là tất cả nguyên liệu tre, mây đều chọn những cây tre, mây già, cứng, chất lượng; trước khi đưa vào sản xuất phải được phơi khô. Công đoạn vót nan, cáp vành cũng đòi hỏi người thợ tỉ mẩn để ra nan dày, kích cỡ đều nhau, trơn, mượt, không có xơ… Các hộ gia đình cam kết tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong mọi công đoạn sản xuất và bảo quản cũng như để làm đẹp sản phẩm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Theo thống kê của xã Gio Phong, thôn Lan Đình hiện có 405 hộ; trong đó, hơn 200 hộ với khoảng 700 lao động tham gia làm nghề truyền thống đan lát. Bình quân mỗi năm làng Lan Đình sản xuất được khoảng 150 nghìn sản phẩm rổ, rá, thúng, sàng, nia, mẹt,… các loại có đường kính từ 0,2 – 1,5 m; cho doanh số khoảng 4,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, làng nghề còn lãi khoảng 3 tỷ đồng.

Các sản phẩm truyền thống của làng là các dụng cụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Các sản phẩm truyền thống của làng là các dụng cụ phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Cụ Nguyễn Ích Lân (hơn 80 tuổi) cho biết, để làm nghề đan lát, người thợ cần phải có các đức tính cần cù, mềm mỏng, cẩn thận, bình tĩnh và tuyệt đối không được nôn nóng. Học nghề đan lát cũng như rèn luyện bản tính của con người nên tất cả con em trong làng Lan Đình đều được ông, bà, cha, mẹ,… cho tập đan từ khi còn tấm bé.  Một nan tre thì rất yếu, bẻ cong bẻ gãy lúc nào cũng được nhưng khi đã đan kết chúng lại với nhau thì rất bền và hữu ích. Cứ 2 năm một lần, làng tổ chức Hội thi đan lát cho con em tham gia, học tập, tìm hiểu và thực hành đầy đủ các công đoạn từ ra nan, vành, vót nan, cạp vành đến khi ra sản phẩm...

Theo anh Nguyễn Toán - Trưởng thôn Lan Đình, ngày mưa gió hay những lúc nông nhàn đều được người dân tận dụng để làm nghề truyền thống. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tham gia sản xuất. Mỗi người một việc, từ ran nan, vót nan, đan, cạp nan ra sản phẩm…, rất nhộn nhịp và đầm ấm.

Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển làng nghề như: tổ chức tập huấn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản; đi tham quan học tập tại các làng nghề đan lát truyền thống tiêu biểu tại một số địa phương trong nước; tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để qua đó quảng bá sản phẩm làng nghề…

Mong muốn của các hộ dân Lan Đình là được hỗ trợ và đảm bảo đầu ra cho cho sản phẩm để người dân yên tâm mở rộng sản xuất, bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế địa phương.
Trịnh Bang Nhiệm

Có thể bạn quan tâm