Nghề đan gùi truyền thống ở Ia Pết

Nghề đan gùi truyền thống ở Ia Pết
Độc đáo gùi làng Nglơm Thung
 
Những nghệ nhân làng Nglơm Thung đang đan gùi. Ảnh. Đ.Y
Những nghệ nhân làng Nglơm Thung đang đan gùi. Ảnh. Đ.Y


Toàn xã có 9/10 làng đồng bào dân tộc thiểu số thì làng nào cũng có người biết đan gùi, trong đó các làng Nglơm Thung, A Moi, A Klăch, A Roh, A Klái… 100% người dân từ 15 tuổi trở lên đều biết đan. Tuy nhiên, gùi làng Nglơm Thung vẫn được nhiều người biết đến hơn cả bởi kiểu dáng và hoa văn trên thân gùi rất tinh xảo và độc đáo. Có lẽ nhờ sự khác biệt ấy, làng Nglơm Thung đã trở thành một địa chỉ quen thuộc mỗi khi du khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa và mua gùi về bán cho khách thập phương.
 
Nghệ nhân có bàn tay khéo nhất làng Nglơm Thung là ông Hyoi. Theo nghệ nhân Hyoi, đan gùi khó nhất là công đoạn kết hoa văn truyền thống trên thân gùi. Để kết được những hoa văn đó thì những sợi nan được lấy từ cây lồ ô sau khi phơi khô được nhúng với sơn các màu: đỏ, trắng, vàng. “Để hoàn thành một chiếc gùi có hoa văn độc đáo, cao khoảng 80 cm đòi hỏi người đan phải tốn ít nhất là 3 ngày. Còn đan gùi thông thường thì chỉ 1 ngày là xong một chiếc. Nhưng người mua lại rất thích gùi có hoa văn đẹp, bán với giá 300.000 đồng/chiếc, cao hơn gùi thường (190.000 đồng-200.000 đồng/chiếc)”-nghệ nhân Hyoi chia sẻ.

Người có “bàn tay vàng” trong làng về đan gùi nữa là già Hnơih. Hơn 50 năm qua, đôi tay tài hoa của già đã tạo nên không biết bao nhiêu chiếc gùi tinh xảo. Theo già Hnơih, muốn có được chiếc gùi đẹp và bền thì khâu quan trọng nằm ở chỗ phơi nan, vót nan. Nan phải vót đều đặn, có độ cong vừa và phơi cho nan tái đi, sau đó vót lại cho đẹp để khi đan, gùi càng để lâu những thanh nan lên màu nâu vàng càng đẹp mắt.

Làm giàu từ nghề buôn bán gùi
 
Nghệ nhân Hyoi giới thiệu sản phẩm có hoa văn đẹp. Ảnh: Đ.Y
Nghệ nhân Hyoi giới thiệu sản phẩm có hoa văn đẹp. Ảnh: Đ.Y


Hiện nay ở xã Ia Pết, một số người dân đã giàu lên từ việc buôn bán gùi. Họ thường mua gùi của bà con giá từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc rồi mang đi bán dạo ở khắp các buôn làng Tây Nguyên. Ông Theh-người làng Nglơm Thung, có 30 năm nay làm nghề buôn bán sản phẩm truyền thống, kể: Trước đây, khi áo, váy thổ cẩm truyền thống của người Jrai, Bahnar được bà con dân tộc thiểu số thường mặc thì mình buôn bán mặt hàng này. Từ năm 1995 trở về đây mình chuyển sang buôn bán gùi. Gùi của làng Nglơm Thung làm đẹp, tinh xảo, đi bán nhiều người ưa chuộng, thích mua về dùng. Những chiếc gùi có hoa văn đẹp, mình mua của bà con 300.000 đồng/chiếc bán lại cho người dân ở các buôn làng khác là 450.000 đồng-500.000 đồng/chiếc.

Nhờ buôn bán, từ hai bàn tay trắng, giờ đây ông Theh đã mua được 3 ha cà phê, làm được nhà kiên cố và nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành. Dù hiện nay tuổi cao, kinh tế ổn định nhưng ông Theh vẫn gắn bó với nghề buôn bán. “Phần để cho đỡ nhớ nghề, phần là muốn mang những chiếc gùi của bà con xã Ia Pết đến khắp các buôn làng Tây Nguyên để giúp cho nghề đan gùi ngày càng phát triển”-ông Theh tâm sự.

Cũng giống như ông Theh, ông Gớt (làng Preng) cũng chọn nghề buôn bán sản phẩm nghề truyền thống để làm giàu. Sau 10 năm buôn bán gùi, ông Gớt đã mua được 3 ha cà phê, làm được căn nhà Thái trị giá trên 300 triệu đồng. Không chỉ những người buôn bán gùi, nhiều gia đình nhờ làm gùi cũng đã có cuộc sống ổn định như gia đình ông Suil-làng Nglơm Thung. Cả gia đình ông có 7 thành viên thì cả 7 người đều biết đan gùi. “Nhờ đan gùi mà mình nuôi được 4 người con ăn học. Có tiền cho các con học thêm tiếng Anh, học nhạc. Cứ mỗi tuần gia đình làm 40-50 chiếc gùi, bán với giá 50.000 đồng/chiếc, gia đình mình có thu nhập từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng”-ông Suil nói.

Xác định, nghề đan gùi truyền thống giúp bà con tăng thêm thu nhập, chính quyền xã Ia Pêt đang có kế hoạch tìm đầu ra ổn định cho bà con; đồng thời hỗ trợ giống cây lồ ô để bà con trồng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu  làm gùi./.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm