Nghề chế tác khèn Mông

Nghề chế tác khèn Mông
Do đó, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, thì cây khèn vẫn được người Mông nâng niu, gìn giữ. Và việc gìn giữ nghề làm khèn vẫn được người Mông chú trọng.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng có những biện pháp để phối hợp gìn giữ cây khèn bản sắc của người Mông. Cụ thể, cuối năm 2016, Sở VHTT&DL Hà Giang phối hợp với huyện Mèo Vạc tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác nhạc cụ khèn Mông tại xã Pả Vi.

Đại diện Sở VHTT&DL cho biết: Thông qua việc mở các lớp truyền dạy, chế tác khèn Mông trên Cao nguyên đá nhằm truyền dạy cho các học viên, đặc biệt là các bạn trẻ biết về kỹ thuật chế tác khèn Mông, từng bước khôi phục và gìn giữ, bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Với cách làm đó sẽ góp phần giữ gìn nét văn hóa bao đời nay của đồng bào Mông, đồng thời giới thiệu những giá trị văn hóa của người dân nơi đây với bạn bè gần xa.

Ở Mèo Vạc có nghệ nhân nổi tiếng về tài làm khèn Mông, đó là anh Mua Mí Hồng và Mua Mí Sính. Họ được mời tới để hướng dẫn và dạy cách làm khèn Mông cho các học viên.

Nghề chế tác khèn Mông ảnh 1
Nghệ nhân Mua Mí Sính đang hướng dẫn cách làm khèn Mông

Anh Mua Mí Hồng cho biết, để làm được một cây khèn chuẩn phải rất công phu và tốn thời gian. Là người được học làm khèn Mông từ năm 13 tuổi qua sự hướng dẫn của ông nội của mình ở thôn Mã Pì Lèng, đến nay anh Hồng đã có hơn 20 năm làm khèn Mông.

Theo anh Hồng, để làm khèn Mông, đầu tiên phải tìm được loại cây gỗ làm bầu khèn. Nhất định phải là khúc gỗ của cây thông đá thì tiếng khèn mới hay. Nhưng không phải cứ gỗ của cây thông đá là được, mà phải chọn khúc gỗ làm bầu khèn có thớ gỗ thẳng, không cong vênh.

Anh Hồng bảo, loại gỗ này bây giờ hiếm lắm, chỉ thấy ở vùng rừng núi Lao Và Chải của Yên Minh. Khi tìm được cây gỗ, người ta chặt hạ, cắt khúc khoảng 80 cm, bổ đôi và tiến hành ngay bước đầu tiên chế tạo cây khèn đó là khoét rỗng theo chiều dài thân cây rồi áp 2 thân cây vào như cũ, buộc chặt lại. Từ những đoạn gỗ tươi sau đó được mang về để cho khô lại thì mới tiến hành tạo hình dáng cho bầu khèn và khoét các lỗ trên thân khèn.

Bên cạnh gỗ là những ống trúc. Theo nghệ nhân Mua Mí Sính, để có những ống trúc làm khèn phải lựa chọn những cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, chặt về phơi khô rồi mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn. Đặc biệt, sợi dây dùng để quấn quanh thân khèn là vỏ cây đào rừng. Vỏ cây đào rừng có đặc tính rất chắc và bền. Những đường cuốn quanh thân khèn vừa để giữ thân khèn và cũng tạo điểm nhấn có tính thẩm mỹ cao.

Những nghệ nhân thành thạo làm khèn Mông như anh Hồng, anh Sính phải mất 2 đến 3 ngày mới hoàn thành được 1 cây khèn Mông.
Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm