Nghệ An vận động người dân không làm tổn hại đến voi

Sáng 26/12, tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2022 do UBND tỉnh Nghệ An được tổ chức trực tuyến với các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, ở xã Châu Phong xuất hiện 2 con voi thường xuyên phá hoại hoa màu, tài sản của người dân địa phương, đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong khu vực voi thường xuất hiện.
 
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài cho biết thêm, trước mắt, huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không có những hành vi làm tổn hại đến voi; thống kê thiệt hại để thực hiện hỗ trợ. Tuy nhiên, về lâu dài cần có giải pháp ổn định tình hình, không để voi phá hoại hoa màu, tài sản, tính mạng của người dân trên địa bàn.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng cho biết, Sở sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm để có giải pháp phù hợp vì voi là động vật hoang dã, cần được bảo vệ. Trước mắt, Sở đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tránh thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân.
 
Như đã đưa tin, thời gian gần đây, gần khu vực dân cư tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An xuất hiện 2 con voi thường tìm kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu, tài sản, đe dọa đến an toàn cuộc sống của người dân.
 
Mỗi khi voi xuất hiện, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng huy động người dân đốt lửa, gõ mõ, phát loa và thực hiện giải pháp khác để xua đuổi. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn voi lại tiếp tục xuất hiện. Việc voi xuất hiện đang gây tâm lý bất an, lo lắng cho người dân.
 
Theo ngành Kiểm lâm địa phương, những con voi này sinh sống và hoạt động trong khu vực rừng tự nhiên, giáp ranh giữa các xã Châu Hạnh, Châu Phong (huyện Quỳ Châu) và xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp)…

Nguyễn Văn Nhật

Tin liên quan

Tăng nguồn lực cho công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk

Ngày 15/11, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt khoản viện trợ đối với dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”.


Đồng Nai: Voi rừng thường xuyên xuất hiện tại khu dân cư

Từ tháng 8 đến nay, voi rừng đã xuất hiện 9 lần tại ấp 5, ấp 7 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai gây thiệt hại hoa màu và tài sản của các hộ dân. Đặc biệt, gần đây có một con voi rừng thường xuyên xuất hiện tại khu dân cư thuộc ấp 7, xã Thanh Sơn (khu vực chưa được đầu tư xây dựng hàng rào điện bảo vệ voi rừng) gây thiệt hại hơn 1.000 cây chuối cấy mô và 2.000 m2 cây bắp của 3 hộ dân.


Bảo tồn và phát triển hiệu quả đàn Voi châu Á tại Quảng Nam

Ngày 19/5, tại thành phố Tam Kỳ, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Bảo tồn Voi châu Á tại huyện Bắc Trà My, huyện Hiệp Đức” nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát và tìm giải pháp bảo tồn hiệu quả quần thể Voi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.


Quảng Nam nỗ lực hài hòa giữa sinh kế của con người và sinh cảnh của động vật quý hiếm

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết: Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, chúng chỉ phân bố ở 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ở Quảng Nam, loài này có phân bố tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn. Quần thể có quy mô lớn nhất khoảng 200 cá thể tại Hòn Mỏ thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, huyện Nông Sơn.



Đề xuất