Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn khi triển khai Chương trình sách giáo khoa mới lớp 10

Tại Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh, nhiều học sinh của trường vẫn đang băn khoăn khi chọn các môn để đăng ký theo học và đã có gần 40 học sinh xin thay đổi lớp học. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Tại Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh, nhiều học sinh của trường vẫn đang băn khoăn khi chọn các môn để đăng ký theo học và đã có gần 40 học sinh xin thay đổi lớp học. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Cùng với cả nước, năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 trên địa bàn Nghệ An sẽ bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng phân hóa cao, định hướng phát triển nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy và học đã có những khó khăn, lúng túng ở cả giáo viên, học sinh và nhà trường.

Băn khoăn chọn lớp, chọn ngành

Đã vào học được 1 tháng nhưng lớp 10A của cô giáo Lê Thị Mai Hương, Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập (thành phố Vinh) vẫn chưa "chốt" được danh sách và sĩ số lớp. Nguyên do bởi đây là năm đầu tiên việc thay sách giáo khoa được thực hiện với học sinh lớp 10. Cùng với đó, học sinh có nhiều sự thay đổi cách chọn các môn học bắt buộc và môn học tự chọn thay vì tất cả đều học chung một bộ sách giáo khoa, một phân môn như trước đây.

Cô giáo Lê Thị Mai Hương cho biết, theo như sắp xếp, lớp cô sẽ là lớp 10 xã hội. Các em đăng ký vào học sẽ theo khối D, A1. Ngược lại nếu các em muốn học khối A, hoặc khối C có thể phải đăng ký sang các lớp khác. Vì vậy, dù đã nhập học nhưng nhiều em vẫn còn đang phân vân và hiện đã có 4 bạn xin chuyển sang lớp khác và 3 bạn mới xin chuyển vào.

Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn khi triển khai Chương trình sách giáo khoa mới lớp 10 ảnh 1Tại Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh, nhiều học sinh của trường vẫn đang băn khoăn khi chọn các môn để đăng ký theo học và đã có gần 40 học sinh xin thay đổi lớp học. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Sau hơn 3 tháng (từ khi có kết quả tuyển sinh vào lớp 10 đến nay), Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập đã có ít nhất 3 lần tư vấn về chọn môn học tự chọn và môn học bắt buộc cho toàn bộ học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều học sinh của trường vẫn đang băn khoăn khi chọn các môn để đăng ký theo học và đã có gần 40 em xin thay đổi lớp học. Trong số này, có trường hợp đặc biệt đã 4 lần xin chuyển lớp.

Trước đó, căn cứ vào số môn học của lớp 10 theo chương trình mới, nhà trường đã chia thành các lớp tự nhiên 1 (thiên về khối A và các ngành kỹ thuật), tự nhiên 2 (thiên về khối A và các ngành nông nghiệp, y, hóa sinh), xã hội 1 (thiên về khối D), xã hội 2 (thiên về khối C). Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn, học sinh vẫn gặp nhiều lúng túng. Theo chương trình mới, học sinh đã đăng ký các môn học từ lớp 10 thì sẽ phải theo học đến lớp 12 và gần như không được thay đổi. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, các em chưa biết năng lực thực sự của mình ở môn học nào, chưa biết chọn ngành nghề yêu thích, chưa định hướng được trường Đại học dự định đăng ký nên việc lựa chọn gặp nhiều khó khăn.

Theo thầy giáo Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình thay sách giáo khoa mới được áp dụng với lớp 10 và có khá nhiều điều chỉnh so với trước đây về việc lựa chọn môn tự chọn và môn bắt buộc. Đây cũng là những môn học quyết định đến môn thi, chọn trường, chọn nghề của các em sau này. Vì vậy, nhà trường đã gặp khó khăn trong quá trình thực hiện do học sinh đăng ký môn học nhưng chưa biết hình thức thi tốt nghiệp trong 3 năm tới sẽ như thế nào (theo truyền thống như hiện nay hay theo đánh giá năng lực). Trong khi đó, độ tuổi học sinh lớp 10 còn chưa có định hướng rõ ràng và dễ thay đổi.

Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn khi triển khai Chương trình sách giáo khoa mới lớp 10 ảnh 2Giờ học của học sinh trường THPT Hà Huy Tập, thành phố Vinh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại Trường Trung học Phổ thông Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu), sau buổi họp phụ huynh đầu năm, khối lớp 10 của trường từ 9 lớp khoa học tự nhiên và 4 lớp khoa học xã hội đã cơ cấu thành 7 lớp khoa học tự nhiên (khối A0, A1, B) và 6 lớp khoa học xã hội (khối C, D). Thầy giáo Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc lúng túng là điều dễ hiểu bởi cách thức thi và xét tuyển Đại học dành cho các em sau 3 năm hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Sự tư vấn, định hướng của nhà trường mang tính chất dự báo và đón đầu theo hướng các tổ hợp môn xét tuyển Đại học và bài thi tổ hợp đánh giá năng lực.

Linh hoạt tổ chức dạy học

Liên quan đến việc triển khai chương trình lớp 10, nhiều nhà trường cho rằng, việc bố trí giáo viên còn nhiều bất cập. Thực tế triển khai chương trình mới, ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh được tự đăng ký các môn tự chọn. Tuy vậy, vì để tổ chức dạy học sát với cơ cấu đội ngũ giáo viên, các nhà trường đều có sự định hướng cho học sinh theo các tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội tránh bị động trong việc bố trí giáo viên.

Thầy giáo Lê Đình Quyền, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương) cho rằng, trong phân phối chương trình sẽ có tình trạng không đồng đều và cố định số tiết cho giáo viên như các năm trước. Vì vậy, với giáo viên ít tiết, nhà trường sẽ bố trí phụ trách các lĩnh vực hoạt động trải nghiệm, dạy học chương trình địa phương… phù hợp với năng lực, chuyên môn.

Tại Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, dù được đánh giá là đơn vị thuận lợi nhưng trong quá trình thực hiện đã gặp một số khó khăn. Cụ thể như: Hiện trường có 15 lớp 10 nhưng có đến 11 lớp học sinh đăng ký môn thể dục tự chọn là cầu lông, 2 lớp bóng đá và 2 lớp bóng rổ. Toàn trường chỉ có một nhà đa chức năng nên để bố trí đủ sân học cho 11 lớp cầu lông rất vất vả. Đặc biệt, số học sinh đăng ký các lớp như bóng rổ và bóng đá lại từ nhiều lớp gộp lại nên việc bố trí thời khóa biểu để không ảnh hưởng đến việc học của các em cũng cần cân nhắc. Bên cạnh đó, vì tiết học thay đổi, một số giáo viên các bộ môn như Toán, Tiếng Anh phải tham gia nhiều hoạt động khác hoặc phải dạy thêm các môn khác mới đủ tiết theo quy định. Do thiếu giáo viên, nhà trường chỉ có một lớp học môn tự chọn là âm nhạc nhưng hai tuần đầu tạm thời chưa tổ chức dạy học.

Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn khi triển khai Chương trình sách giáo khoa mới lớp 10 ảnh 3Để tổ chức dạy học sát với cơ cấu đội ngũ giáo viên nên các nhà trường đều có sự định hướng cho học sinh theo các tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội tránh bị động trong việc bố trí giáo viên. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tình trạng thiếu giáo viên năng khiếu cũng diễn ra ở các trường khác. Vì vậy, nhiều trường học đều đưa ra giải pháp là sẽ tổ chức các môn học này theo chương trình tăng cường và hợp đồng với giáo viên ngoài. Tuy vậy, có thể trong quá trình thực hiện, học sinh phải chấp nhận đóng góp kinh phí để thuê giáo viên…

Sau một tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, một số thay đổi trong cách dạy, cách học đã tác động đến nhiều giáo viên. Vì vậy, thời điểm này, các nhà trường đã tăng cường các buổi họp chuyên môn, xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm và cá nhân trên cơ sở kế hoạch giáo dục của nhà trường; đồng thời, tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, đổi mới phương pháp dạy và học…

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh, mỗi địa phương có thể có những giải pháp linh hoạt như cho phép giáo viên nghệ thuật trong một địa bàn huyện, hay cụm trường được tham gia dạy ở nhiều trường. Ngoài ra, các địa phương có thể tạo cơ chế để luân chuyển giáo viên của cấp Trung học cơ sở lên dạy ở Trung học phổ thông, hoặc kiêm nhiệm dạy cả 2 cấp. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành vẫn phải tính toán để tăng cường đào tạo giáo viên các môn học mới, môn còn thiếu để có nguồn tuyển cho các địa phương, đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Hiện nay, cùng với đề xuất phương án hợp đồng giáo viên dạy các môn nghệ thuật để học sinh được tham gia theo nguyện vọng, huy động các nguồn lực để bổ sung các thiết bị dạy học theo chương trình mới, các nhà trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới và bố trí giáo viên giảng dạy để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm