Nghệ An tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19

Nghệ An tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19

Từ nhiều năm nay, xuất khẩu lao động trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động xuất khẩu lao động trong hai năm qua gặp nhiều khó khăn. Số lượng người đi xuất khẩu lao động giảm. Lượng kiều hối gửi về tại các địa phương có truyền thống đi làm việc ở nước ngoài giảm sút nhiều.

Ông Nguyễn Trí Dương (sinh năm 1958, trú xóm Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành) có 6 người con, dâu rể đang làm ăn sinh sống tại nước Nga. Các con của ông Dương chủ yếu làm nghề buôn bán tại khu chợ của người Việt Nam tại Nga, thu nhập trước đây khá ổn định. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công việc của các con ông Dương không ổn định, thu nhập giảm sút.

Nghệ An tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Do dịch COVID-19, nhiều người con của ông Nguyễn Trí Dương (ngoài cùng bên trái), sinh năm 1958, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) làm việc tại nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ông Nguyễn Trí Dương chia sẻ, hai năm trở lại đây, đặt biệt là năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công việc buôn bán của các người con trai của ông tại Nga bị ảnh hưởng lớn. Có thời điểm, cửa hàng buộc phải đóng cửa, các cháu duy trì cuộc sống bên đó cũng không dễ dàng gì, nói gì đến tiền tích lũy để gửi về. Ông chỉ biết động viên các con giữ gìn sức khỏe, cố gắng duy trì việc buôn bán để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Xã Sơn Thành là một trong những địa phương có số lượng người đang lao động tại nước ngoài nhiều nhất của huyện Yên Thành. Theo thống kê, toàn xã có 1.992 hộ với 8.248 khẩu. Hiện toàn xã Sơn Thành có 1.600/4.000 người trong độ tuổi lao động đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Sáu, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết, công dân địa phương chủ yếu làm việc tại các nước châu Âu như: Đức, Ba Lan, Nga, Anh với công việc đơn giản, không đòi hỏi về trình độ tay nghề như buôn bán, nhà hàng, nail, xây dựng... Các năm trước, ước tính mỗi năm lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân khoảng 300 - 400 tỷ đồng. Từ đó, kinh tế các hộ gia đình ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, các công dân địa phương cũng tích cực đóng góp, hỗ trợ kinh phí trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nghệ An tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19 ảnh 2Từ nguồn kiều hối xuất khẩu lao động từ nước ngoài gửi về, nhiều người dân đã tích cực đóng góp, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên - TTTXVN

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành, mỗi năm huyện có khoảng 1.500 -1.800 lao động xuất cảnh sang nước ngoài để làm việc. Hiện toàn huyện có khoảng hơn 18.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Tại huyện Yên Thành, xuất khẩu lao động trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương. Mỗi năm lao động ở nước ngoài gửi về quê khoảng 200 triệu đô la. Huyện đã hình thành những làng, xã xuất khẩu lao động như: Bảo Thành, Sơn Thành, Đô Thành, Công Thành, Tây Thành. Đời sống kinh tế của nhiều hộ dân ngày càng phát triển từ nguồn thu nhập của các lao động đang làm việc ở nước ngoài gửi về.

Nghệ An tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động trong đại dịch COVID-19 ảnh 3Từ nguồn kiều hối xuất khẩu lao động từ nước ngoài gửi về, nhiều địa phương tại huyện Yên Thành đã thay da đổi thịt, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Tá Chuyên - TTTXVN

Tuy nhiên, theo đánh giá, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến việc làm, thu nhập của người lao động ở nước ngoài, dẫn tới nguồn kiều hối bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, số lao động đi xuất khẩu lao động giảm sút do các doanh nghiệp, thị trường việc làm ở nước ngoài đang gặp khó khăn.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) cho biết, năm 2021, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 40.000 người (đạt 104,66% kế hoạch), trong đó công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là trên 11.200 người (đạt 89,68% kế hoạch đề ra). Hai thị trường tiếp nhận chính vẫn là Nhật Bản (4.117 người) và Đài Loan (Trung Quốc) là 5.993 người và các thị trường khác (1.100 người).

Theo ông Hùng, trong hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, phải tạm dừng, đóng cửa. Vấn đề giải quyết việc làm trong và ngoài nước cho người lao động ngày càng khó khăn. Nhiều người lao động đã đào tạo xong nhưng không thể xuất cảnh vì bên nước tiếp nhận lao động vẫn chưa mở cửa đón lao động do dịch bệnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch nên tâm lý người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài còn dè chừng, e ngại lo sợ bị hủy đơn hàng, hoãn thời gian xuất cảnh nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động hiệu quả, bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An chủ động nghiên cứu, định hướng, tuyên truyền đến người lao động những thị trường lao động có tiềm năng, lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và tránh thiệt hại cho người lao động.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để có sự chuẩn bị, bồi dưỡng tay nghề, trình độ ngoại ngữ cho người lao động để chuẩn bị nguồn lao động có thể tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được đẩy lùi. Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu lao động đầu tư chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và thâm nhập vào thị trường có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người lao động thuộc nhóm đối tượng chính sách có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay vốn với lãi suất thấp tham gia đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để đi làm việc ở nước ngoài.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm