Nghệ An: Nỗ lực để có hướng đi đúng cho năm mới 2023

Nghệ An: Nỗ lực để có hướng đi đúng cho năm mới 2023

Năm 2022 tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, trong đó do những tác động của tình hình thế giới, thiên tai, lũ lụt, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu tăng cao… Trước bối cảnh đó, với quyết tâm, nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực với 27/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nghệ An: Nỗ lực để có hướng đi đúng cho năm mới 2023 ảnh 1Nhà văn hóa ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, được đầu tư xây dựng mới hơn 1 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của chính quyền, bà con nhân dân và xã hội hóa. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

 Nhiều điểm sáng ở cơ sở

Ông Trần Ngọc Tú, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết, trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022 Thường trực thành phố có những chỉ đạo rất quyết liệt. Cùng với đó, UBND thành phố đã bám sát chủ trương của tỉnh, tranh thủ sự phối hợp, chỉ đạo, giúp đỡ của các sở, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong năm, thành phố Vinh đã ưu tiên kích hoạt cho phát triển kinh tế, xác định đây là vấn đề quan trọng và trọng tâm để tạo động lực cho những phát triển khác trước mắt cũng như lâu dài. Ưu tiên đầu tư vào phát triển hạ tầng, gắn với phát triển kinh tế đêm với 3 loại hình mới: Phố đêm, phố đi bộ và phố ẩm thực. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thiện mô hình này và thu hút được các nhà đầu tư, các dịch vụ kinh doanh.

Thành phố cũng tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, trong đó có những dự án có diện tích lớn. Chưa năm nào thành phố tập trung cao độ, quyết liệt như năm nay, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các sở, ngành trong tỉnh, nên việc giải phóng mặt bằng các dự án đã đưa lại hiệu quả, tạo môi trường đầu tư mới cho thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Vinh chia sẻ, với nhiều giải pháp cho nên năm 2022 này các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đều đạt và vượt, đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách năm nay đạt đến 3.507 tỷ đồng.

Ở huyện Nghĩa Đàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Tiến Sỹ cho biết, năm 2022, huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt 181,7% so với dự toán tỉnh giao. Trong năm đã có 3 xã hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới và một xã về đích nông thôn mới nâng cao; nâng tổng số xã đạt nông thôn mới lên 20/22 xã. Dự kiến, năm 2023 có thêm 2 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nghệ An: Nỗ lực để có hướng đi đúng cho năm mới 2023 ảnh 2Sau khi được xây dựng mới, Nhà văn hóa ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành trở thành nơi gặp gỡ, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Huyện Nam Đàn là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về nhiều phong trào, trong đó có xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, năm 2022 huyện có thêm 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng tổng sản phẩm đạt tiêu chuẩn này trên địa bàn huyện lên 73 với tất cả các xã đều có sản phẩm OCOP.

Huyện Quỳ Châu là một trong những huyện nghèo của cả nước. Hiện nay chưa đặt nặng các chỉ tiêu cao về phát triển kinh tế, nhưng huyện có nhiều nỗ lực, giữ ổn định địa bàn, đảm bảo đời sống cho người dân, coi trọng công tác giảm nghèo.

Bắt đầu thu "quả ngọt"

Tại Nghệ An, năm 2022, kinh tế tăng trưởng khá, đặc biệt là thu ngân sách và thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Nghệ An thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trên cả nước. Trong điều kiện của một tỉnh có dân số lớn, nhiều huyện miền núi và những khó khăn khác thì đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh. Trong thu hút đầu tư, cũng là năm đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Đạt được kết quả trên là cả một quá trình, cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành. Thực tế cho thấy, Nghệ An bước đầu thu "quả ngọt" từ thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Nghệ An, năm 2022, kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phương, đường ven biển… được chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các quy trình thủ tục để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi (thuộc tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế). Tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tham mưu, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) được cải thiện về điểm số và thứ hạng, thể hiện nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Hướng đi mới cho năm 2023

Bước vào năm 2023, tỉnh Nghệ An đang đối mặt với những khó khăn, tồn tại là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn; thu ngân sách tuy đạt cao nhưng cơ cấu thu còn nhiều bất cập. Mặt khác, đến nay cho dù có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng... còn nhiều bất cập; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tỉnh đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%, thu ngân sách 15.857 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 56-57 triệu đồng; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu, một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới…

Giải pháp được tỉnh đề ra đó là: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, gắn với rà soát, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa phát triển; đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành…

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm