Nghệ An: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo 30a

Xã nông thôn mới Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 73% năm 2010 xuống còn 4,1% năm 2020 nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình giảm nghèo 30a. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Xã nông thôn mới Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 73% năm 2010 xuống còn 4,1% năm 2020 nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình giảm nghèo 30a. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Sau hơn 10 năm được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với việc hàng loạt công trình trọng điểm, thiết yếu được đầu tư, diện mạo các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An đã thay đổi rõ rệt. Các công trình kết cấu hạ tầng được triển khai kịp thời đã giúp bộ mặt vùng nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được nâng lên, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Nghệ An: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo 30a ảnh 1Xã nông thôn mới Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 73% năm 2010 xuống còn 4,1% năm 2020 nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình giảm nghèo 30a. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Đơn cử tại huyện Kỳ Sơn, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình, huyện đã được hỗ trợ hơn 710 tỷ đồng, trong đó trên 680 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 36 tỷ đồng từ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Huyện đã triển khai 8 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2015, số hộ nghèo là gần 10.000 hộ, chiếm trên 65%, thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 42%.

Tại xã Hữu Kiệm, một trong 20 xã khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là gần 73%. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, diện mạo Hữu Kiệm đã có nhiều thay đổi. Người dân được hỗ trợ giống, công cụ sản xuất đã mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước từng bước được xóa bỏ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1%. Năm 2020, xã Hữu Kiệm được công nhận là xã chuẩn nông thôn mới, đây cũng là xã chuẩn nông thôn mới duy nhất của huyện Kỳ Sơn.

Nghệ An: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo 30a ảnh 2Nông dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được hỗ trợ giống, máy móc để chuyển đổi cây trồng từ Chương trình giảm nghèo 30a qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: Chương trình 30a cùng với các chương trình giảm nghèo 135 với hàng trăm công trình, dự án được triển khai đã giúp Kỳ Sơn phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đời sống người dân được nâng lên từng ngày. Để thoát nghèo bền vững, bên cạnh việc giao đất giao rừng, tạo sinh kế cho người dân, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thay đổi ý thức, lấy việc tự thoát nghèo làm vấn đề cốt lõi chứ không phải trông chờ, ỷ lại từ các chính sách của Nhà nước. Huyện cũng đã ban hành Chỉ thị 17, trong đó phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.

Tại huyện Tương Dương, nhờ thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu lựa chọn công trình, dự án đầu tư, quá trình thi công, huyện đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh giám định, giám sát từng loại công trình. Vì vậy, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả. Những công trình về điện, đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nơi đây đi lại, làm ăn, phát triển kinh tế. Chỉ trong 5 năm, từ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 49,84% xuống còn 24,28%. Câu chuyện người dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo không còn là chuyện hiếm ở huyện miền núi Tương Dương.

Nghệ An: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo 30a ảnh 3Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Định Sơn 1, xã nông thôn mới Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cải tạo nhà cửa khang trang hơn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, chỉ riêng năm 2019, toàn huyện có 490 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Hằng năm, huyện đều rà soát các đối tượng, đặc biệt tập trung vào hộ nghèo, sau đó đầu tư xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phù hợp, nhờ đó mang lại hiệu quả rất lớn. Trong ba năm gần đây, huyện đã đầu tư cho 751 hộ nghèo, đến nay tất cả các hộ này đều đã thoát nghèo. Hiện nay, Tương Dương cũng là huyện 30a duy nhất trong cả nước có đến 5 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An là địa phương có diện tích rộng, quy mô dân số lớn, trong khi nguồn lực của chương trình 30a có hạn, nên ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh đã rà soát, ưu tiên lựa chọn các dự án trọng điểm, cấp thiết để tạo điểm nhấn. Ngoài ra, song song với việc triển khai hoạt động của dự án, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định giao các địa phương có nhiều thuận lợi, các sở, ban, ngành hỗ trợ thêm 113 xã khó khăn. Dù quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhưng có thể khẳng định, nguồn vốn 30a là "đòn bẩy" giúp 3 huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong của tỉnh Nghệ An có bước phát triển vượt bậc.

Nghệ An: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo 30a ảnh 4Nông dân huyện Tương Dương (Nghệ An) được hỗ trợ giống từ chương trình giảm nghèo đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Là tỉnh khó khăn nhưng nhờ nguồn lực của chương trình 30a mà bộ mặt vùng nông thôn, miền núi tỉnh Nghệ An đã có những thay đổi tích cực. Theo mục tiêu kế hoạch của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%, nhờ tác động của chương trình giảm nghèo 30a mà đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,3%. Đặc biệt, một số bản, xã ở các huyện 30a đã đạt chuẩn nông thôn mới. Để không bị ngắt quãng khi chương trình 30a kết thúc, UBND tỉnh Nghệ An đã lồng ghép các hoạt động của đề án phát triển miền Tây Nghệ An để tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Nghệ An đang phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước. 100% hộ dân, nhất là hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và hệ thống thông tin, tiếp cận việc làm...

Hi vọng trong thời gian tới, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Nghệ An sẽ được vận dụng hiệu quả.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm