Nghệ An lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong nhà trường

Chơi các trò chơi dân gian, gói bánh chưng… là những hoạt động được các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Chơi các trò chơi dân gian, gói bánh chưng… là những hoạt động được các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn chú trọng, quan tâm và thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù, trong đó ưu tiên giáo dục văn hóa của các dân tộc. Qua đó cung cấp cho học sinh những tri thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình.

Nghệ An lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong nhà trường ảnh 1 Chơi các trò chơi dân gian, gói bánh chưng… là những hoạt động được các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN



Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An là tâm huyết của Đoàn trường và Ban Giám hiệu nhà trường với mong muốn sân chơi này là nơi tập hợp những “hạt nhân” văn hóa, văn nghệ cho trường. Hơn thế, qua đó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của học sinh, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, kĩ năng, năng lực tư duy, sáng tạo.

Chỉ mới thành lập một năm nhưng Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc đã trở thành điểm đến quen thuộc của học sinh. Mỗi tuần một lần, Câu lạc bộ sẽ tập hợp các thành viên để sinh hoạt và triển khai các hoạt động. Hàng tháng, Câu lạc bộ sẽ có một buổi biểu diễn để giới thiệu các tiết mục mới cho học sinh toàn trường. Ba tháng một lần, Câu lạc bộ mời các nghệ nhân hoặc các ca sỹ, nghệ sỹ đến để nói chuyện hoặc hướng dẫn cho các thành viên trong câu lạc bộ về những bài ca, điệu múa, truyền dạy lại các làn điệu truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Tham gia Câu lạc bộ, tùy vào năng khiếu và sở trường riêng, các em sẽ được phân về 5 ban và phụ trách các nội dung từ đàn - hát, nhảy - múa, kịch - MC, truyền thông. Anh Trần Đình Huy - Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Trường quy tụ học sinh khắp các vùng miền trong tỉnh, đại diện cho nhiều dân tộc khác nhau. Vì thế khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ mỗi em đem đến một màu sắc riêng, góp phần lan tỏa, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền. Nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ giúp học sinh hiểu hơn các giá trị truyền thống của các dân tộc, để các em có ý thức tự tôn và bảo vệ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Khởi đầu với 45 thành viên đến nay sau một năm, số thành viên của Câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã lên đến gần 80 người. Lầu Nguyễn Hương Giang là một hạt nhân tích cực của Câu lạc bộ. Cô bé người Mông đến từ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn tự nhận mình “hát không hay, múa không dẻo” nhưng có niềm tự tôn đặc biệt với văn hóa bản địa của dân tộc mình. Đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình qua mỗi buổi biểu diễn, Lầu Nguyễn Hương Giang lại có cơ hội để giới thiệu với mọi người về những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương và những phong tục truyền thống từ ngàn đời còn được gìn giữ. Với tình yêu về văn hóa thổ cẩm, năm lớp 10, Giang và một bạn học khác đã giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài “Học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

“Chúng tôi tin rằng từ những thành quả đầu tiên này, các em sẽ mở rộng nội dung hoạt động để câu lạc bộ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mà còn là nơi sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu nhiều giá trị văn hóa khác như các trò chơi dân gian, nhạc cụ truyền thống, những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong tỉnh", cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An khẳng định.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Kỳ Sơn là trường chuyên biệt cấp huyện, đáp ứng nhu cầu giáo dục cho con em các dân tộc thiểu số cùng với con em dân tộc khác định cư lâu dài tại huyện. Nhà trường có phòng truyền thống lưu lại quá trình hoạt động, xây dựng, phát triển và những thành tích mà tập thể, cá nhân đã đạt được. Trong đó có gian trưng bày kỉ vật mang đậm dấu ấn văn hóa của các dân tộc Thái, H’Mông, Khơ mú.

Trường đã thành lập được nhiều câu lạc bộ như “Trò chơi dân gian”, “Em yêu tiếng dân tộc". Thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ đã thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, giáo dục học sinh ý thức giữ gìn, phát huy, quảng bá những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt để quảng bá những nét đẹp của văn hóa dân tộc H'Mông thông qua chữ viết dân tộc, trường đã có dự án “Bảo tồn và phát huy chữ viết của dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn – Nghệ An” tham gia Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và đoạt giải Nhì.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, trường tổ chức chương trình “Sắc Xuân nội trú” với các hoạt động lồng ghép như: thi trang phục dân tộc; nấu các món ăn truyền thống của dân tộc... thu hút đông đảo học sinh tham gia. Thầy Đinh Tiến Hoàng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Kỳ Sơn khẳng định để thực hiện được tốt việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh, gia đình - nhà trường - cộng đồng là yếu tố tiên quyết. Học sinh của trường bao gồm năm dân tộc khác nhau với những khác biệt về nhận thức, văn hóa, nếp sống, ứng xử... Vì vậy nhà trường phải vận dụng các giá trị văn hóa, các sản phẩm văn hóa dân tộc thiểu số đưa vào nhà trường để hình thành môi trường sống thân thiện, cởi mở, đoàn kết và đậm đà bản sắc dân tộc, giúp học sinh cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó như cuộc sống của gia đình. Định kỳ mỗi năm học, nhà trường mời các trí thức địa phương, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh của trường.

Hiện nhà trường đang nghiên cứu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động như các cuộc thi về tìm hiểu văn hóa dân tộc nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm