Nghệ An khắc phục những bất cập trong thực hiện chương trình nông thôn mới

Làm đường giao thông nông thôn ở Nam Đàn. Nguồn: truyenhinhnghean.vn
Làm đường giao thông nông thôn ở Nam Đàn. Nguồn: truyenhinhnghean.vn

Tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí còn thiếu của 35 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và 2 đơn vị cấp huyện (thị xã Hoàng Mai và huyện Nghi Lộc) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn chỉ đạo các xã xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, phát triển ngành nghề nông thôn, tăng thu nhập cho người dân; triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn Nghệ An có 246/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 59,85%. Trong đó có 6 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới, 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, 87 xã có đông đồng bào giáo dân, 40 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 71 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 60 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Tại Nghệ An cũng có 4 đơn vị cấp huyện (thị xã Thái Hoà, thành phố Vinh, 2 huyện Nam Đàn và Yên Thành) hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự cố gắng rất lớn của tỉnh Nghệ An trong thực hiện chương trình nông thôn mới.

Nghệ An khắc phục những bất cập trong thực hiện chương trình nông thôn mới ảnh 1Làm đường giao thông nông thôn ở Nam Đàn. Nguồn: truyenhinhnghean.vn

Tại Nghệ An, nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, xây dựng các cơ chế khuyến khích để các địa phương hoàn thành những mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, người dân tại nhiều địa phương đã đóng góp ngày công, tiền và hiến đất để mở rộng đường nông thôn, trở thành những điểm sáng để các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, học tập.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là nguồn lực ngân sách của địa phương có hạn, trong khi đó huy động nguồn lực trong nhân dân gặp khó khăn. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, người dân cũng phản ánh tình trạng có những địa phương đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở hạ tầng (đường nội xóm, đường liên xã, trường học, nhà văn hóa, công trình nước sạch) xuống cấp chậm được đầu tư, sửa chữa. Các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương ít và không nổi trội; thu nhập của người dân tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới không khác nhiều so với trước khi chưa đạt chuẩn.

Hiện nay, cùng với tập trung hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghệ An thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo bền vững các tiêu chí gắn với thực hiện các giải pháp nâng cao hơn đời sống tinh thần, vật chất cho người dân tại các xã nông thôn mới.

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm