Nghệ An gỡ khó cho kinh tế trang trại

Nghệ An gỡ khó cho kinh tế trang trại
Phát triển kinh tế trang trại còn vướng Từ năm 2017, anh Nguyễn Văn Công, xóm Hòa Thọ, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương dồn toàn bộ vốn liếng, vay mượn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng kinh tế trang trại với quy mô 6 ha chăn nuôi bò vỗ béo, vịt bầu và cá lóc thương phẩm. Mỗi năm, trung bình anh cung cấp cho thị trường 120.000 con vịt bầu giống, hàng tấn cá lóc và 60 con bò vỗ béo… Sau khi trừ mọi chi phí, anh còn lãi khoảng 400 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của gia đình anh là việc tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Anh Nguyễn Văn Công chia sẻ, để mở rộng, hoàn thiện trang trại, gia đình anh cần khoảng 2 tỷ đồng đầu tư. Song do đất trang trại đang là đất 5%, hợp đồng thuê đất 5 năm với xã, do đó, không thể tín chấp, thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Gia đình ông Vi Văn Đoàn, làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông làm kinh tế trang trại tổng hợp VACR mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Gia đình ông Vi Văn Đoàn, làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông làm kinh tế trang trại tổng hợp VACR mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Còn theo anh Cao Văn Cường, chủ một trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học với quy mô 6.000 con ở Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ thì khó khăn mà anh gặp phải hiện nay là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 1.500 – 2.000 quả trứng gà, để tiêu thụ hết sản phẩm, anh đang phải tự liên hệ với các đầu mối ở Vinh, các trường học, ấp trứng lộn bán cho các nhà hàng. “Tôi mong được quan tâm hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tạo mối liên kết để có thị trường ổn định”, anh Cường chia sẻ. Trồng cam đã hơn 10 năm nay, anh Phan Đức Sơn ở thôn Quyết Tiến, xã  Chi Khê, huyện Con Cuông luôn trăn trở việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo anh Sơn, các cấp chính quyền, ban ngành cần có giải pháp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cam như liên kết với nhà máy chế biến cam, các loại cây ăn quả, đưa sản phẩm cam vào chỉ dẫn địa lý cam Con Cuông, đồng thời dán tem nhãn, truy xuất nguồn gốc để bà con có đầu ra trên thị trường. Chính quyền địa phương nên hướng dẫn cho người trồng cam chọn giống có chất lượng, uy tín  đồng thời tập huấn cho người trồng cam phải nắm bắt khoa học kỹ thuật chăm bón thuốc, phân cho phù hợp và thống nhất, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm nên sản phẩm không thành công. “Việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư và thương mại cho trang trại hiện nay rất ít được quan tâm; các trang trại chưa nhận thức được ảnh hưởng trực tiếp của quá trình hội nhập quốc tế đến sản xuất kinh doanh để phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh; khả năng liên kết giữa các trang trại theo ngành còn hạn chế; sự hợp tác giữa các trang trại với doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chặt chẽ nên chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung”, anh Sơn phân tích.
Trang trại trồng cây ăn quả tổng hợp của gia đình bà Vi Thị Huệ, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Trang trại trồng cây ăn quả tổng hợp của gia đình bà Vi Thị Huệ, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Theo thống kê đến nay, tỉnh Nghệ An có 917 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN-PTNT, tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại đạt gần 1.500 tỷ đồng, bình quân trên 1.635 triệu đồng/trang trại. Tổng thu bình quân của trang trại đạt trên 200 triệu đồng/ha đất, cao gấp gần 3 lần so với sản xuất nông hộ. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ, như: nhiều chủ trang trại chưa tiếp cận được kênh vay tín chấp theo Nghị định 55; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít; sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững; liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ở mức thấp; đa số các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường… Gỡ khó để phát triển bền vững Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế trang trại, tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2025, có 1.500 trang trại đạt tiêu chí, giá trị sản xuất của trang trại đạt 6 tỷ/trang trại; Tổng thu nhập bình quân 1 tỷ/trang trại; trên 90% số lượng trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Nghệ An cần thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thông qua công tác khuyến nông; trong đó, khuyến khích các chủ trang trại ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, trao đổi thông tin và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, các cơ sở công nghiệp chế biến, phục vụ sự phát triển của các trang trại. Mặt khác, cần nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cho chủ trang trại và đào tạo dạy nghề cho lao động. Cùng với đó cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới. Cho phép các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã được xây dựng nhà ở kiên cố và các công trình phụ trợ chứa vật tư, để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất.
Vừa chăn nuôi trâu bò và trồng nấm, trang trại của gia đình chị Vi Thị Kháng ở xã Môn Sơn mang lại thu nhập cao, giúp gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Vừa chăn nuôi trâu bò và trồng nấm, trang trại của gia đình chị Vi Thị Kháng ở xã Môn Sơn mang lại thu nhập cao, giúp gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Ngoài ra, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các chủ trang trại để có khối lượng hàng hóa lớn, quy trình sản xuất thống nhất, cũng như liên kết với các hộ nông dân để họ trở thành vệ tinh cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy, thời gian qua tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển như: hỗ trợ chi phí mua cây, con giống; hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/trang trại xây dựng hệ thống xử lý nước thải, ao lắng, hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/trang trại chế biến bảo quản sản phẩm theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Ông Nguyễn Anh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, trang trại, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách bổ sung: hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do UBND cấp tỉnh quy định; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho chủ trang trại; được ưu tiên vay vốn hỗ trợ việc làm, từ các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương; ưu tiên tham gia các dự án phát triển nông, lâm, ngư nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, các trang trại được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; liên kết với doanh nghiệp trong liên kết chuỗi giá trị...
Bích Huệ

Có thể bạn quan tâm