Nghệ An đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử

Nghệ An đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả mà tỉnh Nghệ An đang hướng đến nhằm tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và các mặt hàng nông sản trên địa bàn.

Nghệ An đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử ảnh 1Livestream quảng bá cam Vinh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Mở rộng kênh tiêu thụ an toàn

Với 3.500 gốc cam, gia đình ông Trần Văn Hải ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn dự kiến năm nay thu hoạch 35 tấn cam. Ngoài việc xây dựng thương hiệu cam theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quy trình sản xuất cam sạch. Với cách quảng bá mới này, ông hy vọng thương hiệu cam Vinh sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

“Khác với năm trước, chúng tôi phải tự đi tiêu thụ cam thì năm nay, sản phẩm cam của gia đình đã có mặt trên sàn thương mại điện tử. Việc đưa sản phẩm cam Vinh lên sàn thương mại điện tử đã giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với thông tin minh bạch và giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp nông sản nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn”, ông Trần Văn Hải cho biết.

Cam Vinh là một trong những cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An. Tổng diện tích cam trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 4.735 ha; trong đó, diện tích sản phẩm ước đạt 3.450 ha, sản lượng cam thu hoạch năm 2021 ước đạt 60.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 220 ha trồng cam áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; hình thành được nhiều vùng sản xuất cam VietGAP, GlobalGAP, với trên 150 ha trồng cam được cấp chứng nhận. Việc xúc tiến, hỗ trợ đưa cam Vinh lên sàn thương mại điện tử là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nghệ An đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử ảnh 2Nghệ An tích cực quảng bá cam Vinh đến người tiêu dùng bằng nhiều hình thức phương tiện. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Không chỉ riêng cam Vinh, thời gian qua, đã có hàng chục mặt hàng nông sản của tỉnh Nghệ An được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Thực tế cho thấy, việc đưa nông sản nói chung lên các sàn thương mại điện tử đang là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, đến nay, đã có nhiều nhà cung cấp được tạo tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; trên 100 sản phẩm được viết bài, đăng tải trên các sàn thương mại điện tử. Điển hình là các sản phẩm như: cam Vinh, bột rau củ sấy lạnh, các sản phẩm từ sen, lạc sen Diễn Châu, mật mía, đường phèn, cà gai leo, trà hoa vàng, lươn, măng, tinh bột nghệ, chè…

Để việc tham gia các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả thực sự, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp đại diện các sàn thương mại điện tử trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất những quy định về hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng được hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm “Bột rau củ sấy lạnh” với nguyên liệu trồng hữu cơ 100%, được sấy lạnh bằng công nghệ Nhật Bản giúp bột giữ được nguyên mùi, nguyên vị, nguyên chất, đóng gói bằng lọ thủy tinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của chị Hồ Thị Hợp, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại LIM được người tiêu dùng tin dùng. Ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, chị Hợp đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, trang Facebook và tại các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc. Hiện mỗi tháng, công ty do chị Hợp làm chủ cung cấp cho thị trường 5.000 - 6.000 lọ sản phẩm các loại.

“Thị trường chính của chúng tôi có 80% là qua sàn thương mại điện tử. Tôi nhận thấy, thị trường này rất tiềm năng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra thì thị trường online là phù hợp để sản phẩm tiếp cận tới khách hàng. Qua kênh thương mại điện tử chúng tôi còn có hướng phát triển sản phẩm để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, chị Hồ Thị Hợp cho biết.

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ


Để người sản xuất thích ứng với việc tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, nhiều hộ nông dân ở Nghệ An còn được hướng dẫn những kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu và bán hàng qua các kênh mạng xã hội, nền tảng livestream. Qua đó, giúp bà con có thể chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở thêm đầu ra mới bền vững cho các mặt hàng nông sản. Nhiều cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón…

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước; mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với bà con nông dân, nhất là đồng bào ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ông Trịnh Xuân Giáo, Chủ trang trại cam Đồng Thành, huyện Yên Thành cho hay, do chưa có kinh nghiệm về công nghệ nên khi tham gia sàn thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, khi cam Đồng Thành tham gia chương trình livestream quảng bá cam Vinh đã đem lại nhiều bài học, kinh nghiệm cho các nhà vườn, nhất là trong việc sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm của mình.

Sau khi chương trình livestream trực tiếp diễn ra, đã có nhiều khách hàng mới trên khắp cả nước gọi điện đến đặt vấn đề kết nối, tiêu thụ, một số người thì xin địa chỉ trực tiếp để đến tham quan và tìm hiểu cụ thể, trung bình mỗi ngày trang trại bán ra từ 4-5 tấn cam, sau khi chương trình diễn ra số lượng cam bán ra đã có tăng hơn.

“Những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada đều quá rộng lớn, chưa có sự hỗ trợ ở thời điểm bắt đầu cho các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP. Thông qua sàn thương mại điện tử, Tập đoàn Massan tìm hiểu, kết nối tiến hành ký kết đưa sản phẩm cam Đồng Thành vào hệ thống siêu thị Vinmart một cách lâu dài và ổn định...” ông Trịnh Xuân Giáo thông tin.

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự phát triển của các nền tảng số đã thúc đẩy việc đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Với phương thức tiêu thụ trực tuyến này đang được kỳ vọng sẽ là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất cho các mặt hàng nông sản của tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, không chỉ sản phẩm cam Vinh mà còn mong muốn định hướng cho các trang trại, nhà vườn và cơ sở sản xuất nông sản chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, lựa chọn đúng loại hàng hóa mục tiêu, từng bước hiện đại hóa công tác sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị, đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Đặc biệt quan tâm, hướng dẫn sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP…

Về phía trung tâm cũng sẽ phối hợp với các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Trước mắt, tăng cường đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Sendo, Tiki…

“Năm 2022, Nghệ An sẽ nghiên cứu mở rộng trên sàn “37nghean.com” do Sở Công Thương quản lý. Ngoài ra, sẽ mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh”, ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An khẳng định.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm